Nổi tiếng với cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, con người thân thiện, những món ăn ngon, Thái Lan là một trong những điểm đến được yêu thích nhất của du khách trên thế giới. Không chỉ có vậy, mỗi một du khách khi đặt chân đến Thái Lan đều sẽ bị ấn tượng bởi sân bay Suvarnabhumi. Là cửa ngõ để vào Thái Lan, sân bay Suvarnabhumi tập hợp những gì tinh hoa nhất của xứ sở chùa vàng và khiến bất kỳ du khách nào cũng phải choáng ngợp. Vậy việc di chuyển và xác định phương hướng tại sân bay Suvarnabhumi như thế nào? Các dịch vụ ra sao. Blog sau đây Chibikiu sẽ Review sân bay Suvarnabhumi Thái Lan.
Table of Contents
1. Giới thiệu sân bay Suvarnabhumi
Trước khi review sân bay Suvarnabhumi Thái Lan, mình sẽ giới thiệu một số thông tin cơ bản về địa điểm này.
Cảng hàng không quốc tế Suvarnabhumi hay còn gọi là Sân bay quốc tế Bangkok là sân bay chính của Bangkok, có diện tích lớn nhất và cơ sở hạ tầng hiện đại nhất Thái Lan. Sân bay Suvarnabhumi đóng vai trò quan trọng làm cầu nối giữa thủ đô Bangkok với các nước trong khu vực Đông Nam Á và cả trên thế giới về phát triển kinh tế, chính trị, ngoại giao, xã hội và trên hết là hoạt động du lịch.
Cái tên Suvarnabhumi có nguồn gốc từ tiếng Phạn, mang ý nghĩa là “vùng đất vàng” (trong đó Suvarṇa là “vàng”, Bhūmi là ‘vùng đất’). Cái tên này do chính cố quốc vương Bhumibol Adulyadej chọn. Có một vấn đề là cái tên Suvarnabhumi rất khó đọc (đọc Su wa na bum – nhưng nhìn qua sẽ không biết đọc thế nào), nên mọi người thường gọi tắt là sân bay Bangkok mới (còn sân bay Don Mueang gọi là sân bay Bangkok cũ).
THÔNG TIN CHUNG VỀ SÂN BAY SURVANABHUMI:
|
2. Kiến trúc sân bay Suvarnabhumi
2.1. Kiến trúc sân bay Suvarnabhumi
Trải dài trên diện tích 3,240 héc ta, sân bay Suvarnabhumi là một trong những sân bay lớn và hiện đại nhất trên thế giới. Công trình được khai trương năm 2006 và được thiết kế bởi đội ngũ của Helmut Jahn thuộc Murphy/Jahn Architects.
Khi xây dựng sân bay Suvarnabhumi vấn đề đặt ra ở đây là làm thế nào để xây dựng được việc giảm tải bức xạ mặt trời tối ưu, trong điều kiện thời tiết với mức nhiệt cùng độ ẩm cao tại Bangkok. Cho nên toàn bộ khu vực sảnh đến và sảnh đi đều được phủ kính để tối ưu lượng ánh sáng tự nhiên cho sân bay.
Điểm đặc biệt của sân bay Suvarnabhumi là ở tất cả các khu vực các bạn có thể bắt gặp những nét văn hóa truyền thống đặc trưng của Thái Lan. Từ những bức tượng, tiểu cảnh, hay trang trí đều sẽ khiến du khách lúc đi ấn tượng, lúc về quyến luyến.
2.2. Bản đồ sân bay Suvarnabhumi
Sân bay Suvarnabhumi có tổng cộng 6 tầng, tuy nhiên thì chỉ có khu vực tầng 1 – 4 là được sử dụng nhiều, còn khu vực tầng 5 và 6 chủ yếu là văn phòng và phòng chờ. Chi tiết các tầng như sau:
Tầng 1: Khu vực xuất phát của các phương tiện công cộng đi và đến các điểm trong và ngoài Bangkok.
Tầng 2: Khu vực sảnh đến (bao gồm cả chuyến bay nội địa và bay quốc tế), băng chuyền hành lý và nhập cảnh.
Tầng 3: Khu vực các cửa hàng, quán ăn
Tầng 4: Khu vực khởi hành cho bay nội địa và bay quốc tế và Quầy Check in của các hãng hãng không. Khu vực này là tổ hợp của các cửa hàng quần áo, nhà hàng.
Tầng 5: Văn phòng của sân bay và hãng hàng không
Tầng 6: Khu vực phòng chờ của các hãng và máy ATM
Các bạn có thể xem thêm bản đồ Sân Bay Suvarnabhumi Thái Lan tại trang sau.
3. Di chuyển đến/đi sân bay Suvarnabhumi
3.1. Từ sân bay Suvarnabhumi về trung tâm Bangkok
Sân bay Suvarnabhumi cách trung tâm Bangkok 32km. Từ sân bay các bạn có thể về trung tâm bằng tàu trên cao hoặc taxi (và ngược lại).
Nếu đi một mình và muốn tiết kiệm chi phí, nên sử dụng tàu trên cao. Hành trình từ sân bay về trung tâm Bangkok có 2 tuyến City Line và Airport Rail Link. Chi tiết lộ trình 2 tuyến như sau. Tuyến này sẽ dừng ở 8 bến, với ga cuối là Phaya Thai.
- Tuyến City Line: lộ trình dừng ở 7 trạm Lat Krabang – Ban Thap Chang – Hua Mak – Ramkhamhaeng – Makkasan – Ratchaprarop – Phaya Thái. Giá vé một chiều là 45 baht (nếu bạn không đi đến trạm cuối cùng thì giá vé là 15 THB cho mỗi trạm).
- Tuyến Airport Express: Sân bay Suvarnabhumi – ga Makkasan. Chuyến này sẽ đi thẳng không dừng, giá vé 1 chiều là 150 THB.
Để sử dụng tàu, các bạn sau khi ra khỏi khu vực lấy hành lý đi theo bảng chỉ dẫn xuống hầm B1. Từ ga các ga này, các bạn tiếp tục di chuyển để đi đến các điểm tiếp theo.
Còn nếu mà không muốn đi tàu có thể đi taxi. Thông thường, chi phí cho một chiều di chuyển từ sân bay về trung tâm sẽ dao động vào khoảng 300 – 400 THB tính theo đồng hồ cước phí, bao gồm các loại phụ phí nếu có. Lưu ý nho nhỏ là bạn nên lên tầng 4 (sảnh Departure) để đón taxi, đừng đón ở sảnh Arrival.
3.2. Từ sân bay Suvarnabhumi đi các thành phố của Thái Lan
Sân bay Suvarnabhumi có mạng lưới kết nối với các thành phố tại Thái Lan. Từ đây bạn có thể bay hoặc bắt xe buýt đi đến các thành phố khác. Khi ra khỏi khu vực lấy hành lý chỉ cần đi theo bảng chỉ dẫn. Nếu transit để bay đến chỗ
Lưu ý, trong trường hợp mua vé xe buýt đi đến các thành phố khác, nên đặt vé trước. Chứ đừng đến nơi mới mua vé, bởi vì rất dễ hết vé.
3.3. Cách di chuyển từ sân bay Suvarnabhumi đến sân bay Don Mueang
Nhu cầu đi từ sân bay Suvarnabhumi đến sân bay Don Mueang khá lớn, vì từ sân bay Don Mueang có các chuyến bay giá rẻ đến các điểm trong và ngoài Thái Lan.
Sân bay Suvarnabhumi cách sân bay Don Mueang 36km và các bạn có thể sử dụng xe buýt hoặc taxi. Nếu sử dụng xe buýt thì có tuyến số 554 miễn phí với hành trình từ sân bay Suvarnabhumi đến Don Mueang mất 1 tiếng, 30 phút là có một chuyến. Nếu không lựa chọn xe buýt bạn có thể đi taxi. Tuy nhiên giao thông ở Bangkok khá bận rộn, nên hành trình di chuyển giữa 2 sân bay có thể lâu hơn.
4. Các tiện ích của sân bay Suvarnabhumi Thái Lan
Chỉ tính riêng trong năm 2023 sân bay Suvarnabhumi đón tổng cộng 51,7 triệu lượt hành khách. Để có thể tổ chức và phục vụ lượng khách khổng lồ nay không phải chuyện đơn giản. Và phải cần đến đến những trang thiết bị hiện đại phục vụ nhu cầu cũng như lượng khách khổng lồ này.
Một điều mình phải công nhận là sau chừng hơn chục năm (mình đến sân bay Suvarnabhumi lần đầu vào năm 2011), thì sân bay Suvarnabhumi vẫn không có dấu hiệu xuống cấp đi chút nào, thậm chí mình còn thấy nó còn mới hơn.
Sau đây là các tiện ích tại sân bay Suvarnabhumi:
4.1. Ăn uống
Sân bay Suvarnabhumi đích thị là một thế giới ẩm thực thu nhỏ của Thái Lan, nơi có đầy đủ các món ăn từ ẩm thực đường phố đến cao cấp. Nếu không kịp ăn Xôi xoài, Trà sữa hay Bánh After You ở ngoài, bạn có thể ăn hết những món này ngay tại sân bay luôn.
Các bạn có thể tham khảo các dịch vụ ăn uống tại sân bay Suvarnabhumi tại trang sau.
4.2. Mua Sắm
Một lý do mà mình sợ bay đến sân bay Suvarnabhumi là bạn sẽ phải tiêu đến từng đồng cuối cùng. Sân bay Suvarnabhumi đích thị là một thiên đường mua sắm. Đúng là người Thái biết cách kinh doanh.
Ở sân bay Suvarnabhumi Thái Lan có đầy đủ các thương hiệu và mặt hàng, từ bình dân đến cao cấp. Và ngoài ra còn đồ rất đặc trưng của Thái (trà Thái, dầu thơm…) nữa. Thành ra khách sẽ lại phải móc hầu bao trước khi lên máy bay rời khỏi đất Thái.
4.3. Khách sạn gần sân bay Suvarnabhumi
Trong trường hợp các bạn transit lâu hoặc có chuyến bay sớm mà không muốn vào trung tâm thành phố, có thể thuê các khách sạn gần sân bay.
Gần sân bay Suvarnabhumi có rất nhiều khách sạn từ bình dân cho đến cao cấp, phù hợp với mọi nhu cầu. Các bạn có thể xem bản đồ tương tác dưới đây để tham khảo giá các khách sạn gần sân bay Suvarnabhumi nếu có nhu cầu.
4.4. Các dịch vụ khác
Ngoài các dịch vụ kể trên, ở sân bay Suvarnabhumi còn có các dịch vụ khác phải kể đến như:
Giữ hành lý: Trong trường hợp bạn chỉ transit tại Bangkok, và muốn ra ngoài chơi có thể sử dụng dịch vụ gửi hành lý. Tham khảo dịch vụ gửi hành lý tại đây.
Đổi tiền: Ở sân bay Suvarnabhumi có nhiều quầy đổi tiền (cả ở bên trong lẫn bên ngoài khu vực xuất và nhập cảnh) cho nên bạn sẽ không cần quá phải lo lắng. Tuy nhiên đổi tiền ở sân bay không được giá bằng đổi tiền ở ngoài. Các bạn nên hạn chế đổi tiền trong sân bay. Chỉ đổi lúc về nếu còn tiền thừa thôi.
Massage Thái: Một đặc sản không thể thiếu ở Thái Lan, và có luôn tại sân bay, đó chính là Massage Thái. Nếu bạn chưa kịp có thời gian đi massage Thái, có thể tận hưởng ngay tại sân bay luôn. Tuy nhiên thì giá cho dịch vụ massage ở sân bay khá chát.
5. Hướng dẫn sân bay Suvarnabhumi Thái Lan
5.1. Nhập cảnh tại sân bay Suvarnabhumi
Sân bay Suvarnabhumi là một trong những sân bay bận rộn nhất trên thế giới. Cho nên việc nhập cảnh tại sân bay Suvarnabhumi là một “cực hình”. Bạn phải xác định trước là sẽ phải xếp hàng từ 30 phút – 1 tiếng vào mùa cao điểm du lịch (thực ra lúc nào Thái Lan cũng đông khách du lịch nên là sẽ không có chuyện nhập cảnh nhanh). Trong thời gian gần đây thủ tục đã bỏ tờ khai hải quan, nhưng thời gian nhập cảnh vào Thái Lan vẫn rất lâu.
Nhập cảnh xong các bạn sẽ qua băng chuyền hành lý để lấy đồ. Thường do thời gian nhập cảnh lâu, khi ra hành lý đã ra hết rồi. Sau đó bạn sẽ tìm các dịch vụ mình cần (thuê xe, mua sim,…) và di chuyển về trung tâm thành phố.
5.2. Xuất cảnh tại sân bay Suvarnabhumi
Lưu ý nên đến sân bay 3h tiếng trước giờ khởi hành (vì sân bay Suvarnabhumi xếp hành lâu và đông). Nếu các bạn có làm thủ tục hoàn thuế thì nên căn giờ ra sớm hơn nữa.
Mỗi một khu vực sẽ được đánh số bằng chữ cái (A,B,C…) và được xếp những hãng hàng không khác nhau. Ví dụ khu E sẽ là khu của các hãng Qatar Airways, Emirates…
Sau khi check in xong các bạn đi theo biển, sẽ có lối dẫn đến khu vực xuất cảnh. Nó là một cái thang cuốn (mà trên tiktok thường gọi là chiếc thang cuốn buồn nhất – buồn vì phải rời xa Thái Lan). Lưu ý là sẽ lấy dấu hoàn thuế trước khi vào bên trong khu vực xuất cảnh, các bạn có nhu cầu hoàn thuế cần chú ý điểm này.
Trước khi bước vào khu vực xuất cảnh các bạn sẽ qua cửa an ninh soát hành lý. Soát hành lý ở đây kiểm tra rất kỹ. Sau khi xong xuôi, các bạn sẽ vào khu vực xuất cảnh.
5.3. Transit tại Sân bay Suvarnabhumi
Là một sân bay lớn và điểm đến của nhiều hãng hàng không trên thế giới, sân bay Suvarnabhumi là một trong những điểm trung chuyển lớn tại Châu Á. Tại sân bay Suvarnabhumi các bạn sẽ có 2 kiểu transit: một là transit cũng hãng, hai là transit khác hãng.
Nếu các bạn transit cùng hãng (hoặc các hãng share code với nhau) chỉ cần đi theo bảng chỉ dẫn lúc xuống máy bay.
Còn nếu bạn transit khác hãng, thì sẽ phải nhập cảnh vào Thái Lan (vì Thái Lan miễn visa cho khách Việt), lấy hành lý ra rồi lại làm thủ tục check in, xuất cảnh như bình thường. Nếu các bạn phải transit theo cách này thì nên để thời gian transit tối thiểu 3 – 4 tiếng (vì sẽ phải tính cả thời gian nhập cảnh, xuất cảnh, trường hợp máy bay delay).
Cá nhân mình thích transit ở Bangkok, vì thời gian bay từ Việt Nam sang Bangkok ngắn (có hơn 1 tiếng hoặc tiếng rưỡi) và giá vé máy bay từ Việt Nam sang lại rẻ.
6. Review Sân bay Suvarnabhumi Thái Lan
6.1. Review Sân bay Suvarnabhumi Thái Lan
ƯU ĐIỂM
– Thiết kế mang đậm các nét văn hóa truyền thống Thái Lan.
– Đầy đủ tiện ích, và được trang bị các trang thiết bị hiện đại.
– Là một sân bay mà bạn sẽ “tiêu đến từng đồng cuối cùng” trước khi rời đi.
– Được bảo dưỡng rất tốt (mình đến sân bay Suvarnabhumi lần đầu vào 2011, và sau gần đó năm nó vẫn không bị cũ đi tí nào).
NHƯỢC ĐIỂM
– Thiết kế đẹp, nhưng chưa đủ ấn tượng (so với sân bay Changi – Singapore hay sân bay Doha – Qatar thì sân bay Suvarnabhumi không là gì).
– Luôn trong tình trạng đông đúc (nhất là trong khu vực nhập cảnh – xếp hàng từ 45 phút – 1 tiếng là chuyện bình thường).
ĐÁNH GIÁ: 7,5 / 10 |
6.2. So sánh Sân bay Suvarnabhumi với các sân bay khác
Khi đặt sân bay Suvarnabhumi lên bàn cân với sân bay khác thì sân bay Suvarnabhumi vẫn là một cái gì đó ở đẳng cấp cao hơn hẳn, chỉ là chưa đủ tầm ấn tượng khi so với các sân bay như Changi – Singapore hay Hamad – Qatar.
Sân bay Changi hay sân bay Hamad sẽ khiến tất cả mọi người phải “wow” vì mức độ hoành tráng và xịn sò. Điển hình là sân bay Changi còn có một khu vườn với thác nước nhân tạo đồ sộ bên trong.
Tuy nhiên, ngoài yếu tố khiến khách tham qua “wow” ra thì chả có một yếu tố nào mang tình truyền thống của quốc gia cả. Chỉ cần nhìn ảnh sân bay Suvarnabhumi là biết đến quốc gia nào, còn nhìn ảnh sân bay Changi và sân bay Hamad thì không biết được nó thuộc quốc gia nào. Còn về cơ sở vật chất, hay trang thiết bị thì cả 3 sân bay này như nhau.
Một điểm nữa khiến sân bay Suvarnabhumi mất điểm là nhập cảnh siêu lâu, do đông khách du lịch. Còn sân bay Changi do phân ra nhiều terminal, còn sân bay Hamad ít khách du lịch nên đỡ đông hơn.
7. Tổng kết: Review sân bay Suvarnabhumi Thái Lan
7.1. Tips du lịch Bangkok Thái Lan
– Ở sân bay Suvarnabhumi có rất nhiều quầy bán sim. Nhập cảnh xong ra khu vực lấy hành lý là cơ man các quầy rồi. Các bạn chỉ cần thanh toán đưa máy cho nhân viên, họ sẽ thao tác cho bạn luôn.
– Khí hậu Thái Lan khá nóng, nên sau khi ra khỏi sân bay Suvarnabhumi xong mình kiểu như bị sốc nhiệt. Các bạn đi vào mùa lạnh ở Việt Nam, nên chú ý chuẩn bị quần áo cho phù hợp.
7.2. Tổng kết
Trên đây là blog Review sân bay Suvarnabhumi của Thái Lan của Chibikiu. Hy vọng bài viết sẽ cho các bạn một cái nhìn toàn thể và rõ nét hơn về Sân bay Suvarnabhumi Thái Lan.
Nếu cần thêm thông tin cho chuyến du lịch tiếp theo của bạn, hãy tham khảo các bài viết khác trong series Du lịch Thái Lan dưới đây:
Nếu thấy bài viết trên đây có ích, các bạn có thể giúp mình duy trì blog bằng cách nhấn vào link dưới đây nhé:
– TỔNG HỢP WEBSITE CẦN THIẾT KHI ĐI DU LỊCH –
|