Kinh nghiệm tham quan Thiên Đàn Bắc Kinh

Thiên Đàn là một trong những điểm đến không thể bỏ qua tại Bắc Kinh bên cạnh Tử Cấm Thành, Vạn Lý Trường Thành và Di Hòa Viên. Công trình là tổng hòa giữa nghệ thuật kiến trúc và triết lý phong thủy của người Trung Quốc. Bài viết sau đây mình sẽ chia sẻ Kinh nghiệm tham quan Thiên Đàn Bắc Kinh.

 

tham quan thiên đàn bắc kinh
Kinh nghiệm tham quan Thiên Đàn Bắc Kinh

 


1. Giới thiệu về Thiên Đàn Bắc Kinh

Trước khi chia sẻ kinh nghiệm tham quan Thiên Đàn Bắc kinh mình sẽ nói qua một số thông tin cơ bản như: Thiên Đàn ở đâu, Kiến trúc Thiên Đàn có gì đặc biệt?

 

1.1. Thiên Đàn ở đâu

Thiên Đàn nằm ở phía Nam thủ đô Bắc Kinh, thuộc quận Tuyên Vũ. Đây thực chất là nơi mà các hoàng đế thời nhà Minh và nhà Thanh làm các nghi lễ tế trời.

Thiên Đàn được xây dựng năm Minh Vĩnh Lạc thứ 18 (tức năm 1420), cùng thời gian xây dựng Tử Cấm thành. Đầu tiên, công trình có tên là Thiên – Địa Đàn. Phải đến năm 1530 khi khu Địa Đàn riêng được xây dựng, mới được lấy tên là Thiên Đàn.

 

1.2. Kiến trúc Thiên Đàn của Trung Quốc có gì đặc biệt?

Thiên Đàn là công trình tổng hòa giữa nghệ thuật kiến trúc và triết lý phong thủy của người Trung Quốc. Mỗi một công trình lại mang một ý nghĩa khác nhau, nhưng khi đặt vào tổng thể lại tạo thành 1 hệ thống cảnh quan văn hóa truyền thống đặc sắc của Trung Quốc; thể hiện rõ mối quan hệ con người với trời và đất.

Các công trình tại Thiên Đàn được bố trí đối xứng hai bên, tạo sự cân bằng. Tường bao phía bắc của Thiên Đàn hình tròn, phía Nam hình vuông, với ngụ ý là “trời tròn đất vuông”. 

Ngoài ra, các công trình chính được xây dựng theo một đường thẳng, hướng về phía đông. Điều này khiến cho bố cục phía tây có phần trống trải và rộng rãi. Do đó, khi làm lễ sẽ bắt đầu đi từ hướng Tây, để có tầm nhìn rộng khi nhìn ra tế đàn, tạo cảm giác chân trời rất cao. 

Thiết kế của Thiên Đàn mang ý đồ thể hiện tư tưởng xông ra không trung, mở ra chân trời cao rộng. Các công trình như Hoàng Khung Vũ và Kỳ Niên điện có hình tròn, những phần mái lại chóp nhọn cong vút, khiến cho toàn thể kiến trúc như bay lên trời.

Chính bởi nét kiến trúc độc đáo mà Thiên Đàn Trung Quốc đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới vào năm 1998. Và là một trong những điểm không thể bỏ qua khi đến Bắc Kinh. 

 

kiến trúc thiên đàn
Thiết kế của Thiên Đàn mang ý đồ thể hiện tư tưởng xông ra không trung, mở ra chân trời cao rộng

 


2. Bên trong Thiên Đàn Trung Quốc có gì 

Tổ hợp Thiên Đàn của Trung Quốc có diện tích 215 hecta gồm 92 tòa nhà cổ với 600 phòng. Tổ hợp được chia ra chia thành nội đàn và ngoại đàn. Các kiến trúc quan trọng đều tập trung ở hai đầu nam bắc, trục giữa trong nội đàn,

Các kiến trúc chủ yếu của Thiên Đàn Trung Quốc bao gồm tổ hợp 3 công trình: Viên Khâu Đàm, Hoàng Khung Vũ và Kỳ Niên Điện. Mỗi công trình lại có những nét độc đáo riêng:

 

2.1. Viên Khâu Đàm

Viên Khâu Đàm là bệ thờ chính. Đây là đài rỗng hình tròn, gồm ba tầng bằng đá cẩm thạch có lan can chạm khắc hình tượng rồng.

Số lượng các phiến đá sắp xếp trên đài được tính toán đúng bằng bội số của 9. Bởi vì con số 9 mang ý nghĩa tốt đẹp, đỉnh cao cho mọi phương diện theo quan niệm của người Trung Quốc (trong tiếng Hán, cửu 九 – số 9, đồng âm với chữ cửu 久 – vĩnh cửu, trường cửu).

Ở trung tâm của Viên Khâu Đàm đặt một phiến đá hình tròn có tên Thiên Tâm Thạch (hay còn gọi là Thái Dương Thạch), mang ý nghĩa là trái tim của trời. Và đây cũng là nơi hoàng đế đứng trên đó để cầu nguyện. 

 

thiên đàn bắc kinh

 

2.2. Hoàng Khung Vũ

Hoàng Khung Vũ là một điện nhỏ một tầng hình tròn, nằm ở phía Bắc của Viên Khâu Đàm. Đây là nơi đặt bài vị tế trời vào những ngày bình thường (không phải ngày tế lễ)

Công trình có chiều cao 19m, đường kính 16m, lợp mái lưu ly với chóp nhọn màu vàng. Hoàng Khung Vũ giống như một phiên bản thu nhỏ của Kỳ Niên Điện. 

Bao quanh công trình này là một bức tường cao 6m, đường kính 32,5m quây thành hình tròn. Hay còn gọi là bức tường hồi âm vì đứng từ đầu tường này có thể nghe rõ tiếng nói ở đầu tường bên kia. 

 

2.3. Kỳ Niên Điện

Kỳ Niên Điện là công trình quan trọng nhất của Thiên Đàn vì đây là nơi các hoàng đế cử hành nghi lễ tế trời cầu mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an.

Điện được xây dựng theo hình tròn với đường kính 32m và cao 38m. Điểm nhấn của công trình nằm ở mái ngói lưu ly, với 3 tầng mái. Ít ai biết rằng lúc đầu mái ngói này không có màu xanh như hiện tại mà là màu vàng. Phải đến đời vua Càn Long mới được đổi sang màu xanh, ý nghĩa tượng trưng cho bầu trời. Phần chóp mái được đúc bằng vàng. 

Mái ngói lưu ly này được đỡ bởi 28 cột trụ, xếp thành 3 vòng. Vòng ngoài có 12 cột trụ biểu hiện cho 12 canh giờ, vòng giữa cũng có 12 cột trụ biểu hiện cho 12 tháng trong năm. Riêng  4 cột trụ ở trung tâm tượng trưng cho 4 mùa trong năm. 

 

thiên đàn kỳ niên điện
Kỳ Niên Điện là công trình quan trọng nhất của Thiên Đàn Trung Quốc vì đây là nơi các hoàng đế cử hành nghi lễ tế

 

2.4. Các công trình khác 

Ngoài 3 kiến trúc chính Viên Khâu Đàm, Hoàng Khung Vũ và Kỳ Niên Điện, quần thể Thiên Đàn của Trung Quốc còn bao gồm các công trình khác như:

Hành lang dài (Long Corridor) kết nối khu vực nhà bếp với Kỳ Niên điện, rộng 5m, dài 350m, bao gồm 71 gian, phía trên có mái che.

Vườn đá Bảy Sao (Seven Star Rocks) trên có khắc nhiều hoa văn. 7 hòn đá có lịch sử 500 năm, được tạo ra vào thời hoàng đế Gia Kinh thời Minh. 

– Tòa nhà nuôi, giết mổ gia súc làm lễ tế Trời và khu vực bếp (Pavilion for Butchering Animals) được chia làm 2 cụm: Cụm phía Bắc phục vụ cho Kỳ Niên điện.Cụm phía Nam phục vụ cho Viên Khâu đàn. 

Trai cung (Hall of Abstinence) là nơi hoàng đế tiến hành thanh tịnh cơ thể trước khi cử hành tế lễ.

– Vườn xung quanh: Bao quanh các kiến trúc chính ở Thiên Đàn là khu vườn rộng 267 hecta, với các thảm thực vật đa dạng (vườn hồng, vườn cây bách cổ, vườn cây ngân hạnh…)

 

tham quan thiên đàn vườn
Vườn cây ngân hạnh ở Thiên Đàn Bắc Kinh

 


3. Kinh nghiệm tham quan Thiên Đàn Bắc Kinh 

3.1. Tham quan Thiên Đàn vào lúc nào?

Là một địa điểm tham quan nổi tiếng tại Bắc Kinh, các bạn có thể tham quan Thiên Đàn bất cứ giai đoạn nào trong năm.

Nhưng theo kinh nghiệm của mình, quần thể Thiên Đàn đẹp nhất là vào mùa thu (giữa tháng 10 – giữa tháng 11). Giai đoạn này thời tiết dễ chịu, cộng thêm sắc vàng từ thiên nhiên càng làm nổi bật vẻ đẹp của quần thể Thiên Đàn. 

Các bạn nên tránh đi vào mùa hè vì thời tiết rất nóng và đây cũng là mùa cao điểm du lịch nội địa của Trung Quốc. Và cũng không nên đi vào mùa đông vì vườn cây ngân hạnh sẽ trụi hết lá 

Tuy nhiên để có những bức hình “sống ảo” đẹp, các bạn nên tham quan Thiên Đàn vào buổi sáng (lúc vừa bắt đầu mở cửa nữa thì càng tốt). Vì lúc này là thời điểm có ít khách tham quan nhất trong ngày. 

Mình đi vào lúc buổi chiều, có rất đông khách tham quan nên chụp ảnh nào cũng bị dính người hết. Phải lựa mãi mới có được góc không có người. 

 

hành lang dài
Các bạn nên tham quan Thiên Đàn Trung Quốc vào sáng sớm để không bị đông nhé

 

3.2. Cách di chuyển đến Thiên Đàn

Là một địa điểm du lịch nổi tiếng ở thành phố Bắc Kinh, nên các bạn có thể đi đến Thiên Đàn bằng nhiều cách:

a. Tàu điện ngầm: Bắt metro tuyến số 5, đến trạm Tiantan Dongmen Station. Sau đó ra ngoài tại cửa A.

b. Xe buýt: Tùy thuộc vào cửa vào sẽ có những tuyến khác nhau. Cửa Tây (tuyến 2,17,20), Cửa Nam (36,53,122), Cửa Bắc (6,34,35). Mình không khuyến khích các bạn đi xe buýt vì không có biển báo tiếng Anh đâu.

c. Taxi: Giá taxi sẽ phụ thuộc vào địa điểm bạn xuất phát. Giá taxi từ Cố Cung tới Thiên Đàn là 20¥. Nên hạn chế đi taxi vào giờ tan tầm vì tình hình kẹt xe ở Bắc Kinh rất nghiêm trọng.

 

3.3. Giá vé tham quan Thiên Đàn

Giá vé tham quan Thiên Đàn là 34¥ (tháng 4 – tháng 10) và 28¥ (tháng 11 – tháng 3). Vé này đã bao gồm vé vào cửa công viên và Viên Khâu Đàm, Hoàng Khung Vũ và Kỳ Niên Điện

Các bạn có thể mua vé tại quầy hoăc mua vé online trước, nhưng nên mua online trước để tiết kiệm thời gian nhé. Các bạn có thể mua vé trước tại đây

Nếu mua vé tại quầy thì nên chú ý giờ đóng cửa quầy mua vé là 15:30 (tháng 11 – tháng 3) và 16:00 (tháng 4 – tháng 10).

 

 

Xem bài viết này trên Instagram

 

Bài viết do Chibikiu (@chibikiu) chia sẻ

 

3.4. Kinh nghiệm tham quan Thiên Đàn

Mình đến Thiên Đàn bằng tàu điện ngầm nên sẽ bắt đầu đi từ cửa phía Đông. Nếu đi từ cửa này các bạn nên đi theo thứ tự sau Hành lang – Kỳ Niên Điện – Hoàng Khung Vũ – Viên Khâu Đàm. Sau đó đi ra ở cửa phía Nam. 

Các bạn lưu ý đi thẳng một mạch, thăm quan công trình nào là xong công trình đó”, không nên quay đi quay lại. Vì như thế rất mất thời gian, chưa kể lại còn nhiều khách du lịch nữa. 

Nếu đi vào mùa thu thì ngay từ cổng vào phía Đông công viên Thiên Đàn sẽ bắt gặp ngay sắc thu rực rỡ từ khu vườn ngân hạnh. Trước đó, mình không hề biết là đi đúng thời gian khu vườn này “bung nở sắc vàng”. Nên là trước khi thăm quan các công trình chính cũng chụp được một bộ ảnh “cô bé mùa thu”. 

 

mùa thu thiên đàn

 


4. Tổng kết: Kinh nghiệm tham quan Thiên Đàn Bắc Kinh

4.1. Tips du lịch Bắc Kinh

– Mang theo hộ chiếu bên người vì có thể bạn sẽ bị cảnh sát gọi vào kiểm tra bất kỳ lúc nào (bạn có thể lưu file hay ảnh hộ chiếu trong điện thoại cũng được họ cũng không quá khó trong vấn đề này)

– Cài một số ứng dụng cần thiết như Baidu Maps, Didi, Wechat… để có thể dễ dàng và thuận tiện hơn khu du lịch 

– Học trước một số câu tiếng trung du lịch thông dụng để tiện giao tiếp. Tham khảo bài viết sau để biết các mẫu câu hay sử dụng khi đi du lịch nhé.

– Thiên Đàn không gần các điểm tham quan khác ở Bắc Kinh và xa trung tâm. Các bạn nên đặt phòng ở khu Vương Phủ Tỉnh cho tiện nhé (đây là khu vực trung tâm mà lại gần Cố Cung). Chi tiết các bạn có thể tham khảo bản đồ tương tác phía dưới. 


Booking.com

 

4.2. Tổng kết: Kinh nghiệm tham quan Thiên Đàn Bắc Kinh

Thực sự, Thiên Đàn Trung Quốc là một điểm nhấn khá độc đáo trong chuyến du lịch Bắc Kinh của mình. Công trình vừa mang giá trị lịch sử lại có tính thẩm mỹ, rất đáng để dành thời gian nửa ngày tham quan. 

Trên đây là Kinh nghiệm tham quan Thiên Đàn Bắc Kinh, nếu các bạn cần thêm thông tin gì có thể tham khảo các bài blog khác trong series du lịch Bắc Kinh sau nhé:

 

– TỔNG HỢP WEBSITE CẦN THIẾT KHI ĐI DU LỊCH –

error: Content is protected !!