Kinh nghiệm du lịch Thụy Sĩ

Nổi tiếng với phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp “không góc chết”, đặc biệt là dãy Alps, cùng với sự giàu có, an toàn và chất lượng cuộc sống cao, Thụy Sĩ là một trong những điểm đến hàng đầu tại Châu Âu. Du lịch Thụy Sĩ từ lâu đã nằm trong wishlist của mình. Tuy nhiên vì chi phí đắt đỏ nên mãi mới có cơ hội thực hiện được ước mơ đến Thụy Sĩ xinh đẹp. Blog sau đây Chibikiu sẽ chia sẻ Kinh nghiệm du lịch Thụy Sĩ. 

 

kinh nghiệm du lịch thụy sĩ

 


1. Xin visa du lịch Thụy Sĩ

Như các bạn đã biết khu vực Schengen bao gồm 29 quốc gia thành viên. Việc sở hữu visa Schengen sẽ cho phép bạn tự do di chuyển giữa các quốc gia trong khu vực, trong đó Thụy Sĩ là một quốc gia thuộc khu vực này. 

Tuy nhiên thì mình không khuyến khích xin visa Schengen tại đầu Thụy Sĩ vì thời hạn visa được cấp thường ngắn. Một lời khuyên khi xin visa Schengen là nên apply qua đầu Pháp. Vì Pháp là nước mà hồ sơ xin visa “dễ thở hơn” và quan trọng hơn là thời hạn visa được cấp dài.. Để xin visa Schengen các bạn có thể tham khảo bài viết sau đây của mình. 

 



 


2. Du lịch Thụy Sĩ mùa nào? 

Được mệnh danh là vùng đất không góc chết, Thụy Sĩ mùa nào cũng đẹp (Cái này mình phải công nhận). Mỗi mùa lại có một nét riêng. 

Nhưng nếu phải chọn mùa đẹp nhất thì theo mình đó là mùa hè lúc bầu trời trong xanh, cây cối hoa lá xanh rì. Thích hợp cho các hoạt động tham quan ngoài trời. Không những thế mùa hè thời gian ban ngày dài, tối ưu thời gian đi chơi (tầm 9,10 giờ trời mới tối). Tuy nhiên, mùa hè cũng là giai đoạn cao điểm du lịch. Đồng nghĩa với việc giá cả leo thang

Ngoài mùa hè, mùa thu cũng là giai đoạn tốt để du lịch Thụy Sĩ. Giai đoạn này sẽ chứng kiến thiên nhiên thay màu, đi tới bất kỳ vùng nào cũng sẽ thấy sắc vàng, sắc đỏ rực rỡ của cây cối. Và đây cũng là giai đoạn thấp điểm nên giá phòng sẽ giảm đi “đôi chút” (mình cũng không hiểu vì sao khách lại không thích đi mùa thu).

Mùa đông tại Thụy Sĩ sẽ hệt như những gì trong câu chuyện cổ tích với tuyết phủ trắng. Đây là thời điểm thích hợp cho các hoạt động trượt tuyết. Tuy nhiên đây lại là giai đoạn cao điểm du lịch ở Châu Âu, do trùng với kỳ nghỉ giáng sinh năm mới. Cho nên giá phòng sẽ không hề rẻ một chút nào cả.  

Mùa xuân cây cối đâm chồi, có nhiều loài hoa mọc. Tuy nhiên đây lại không phải giai đoạn tốt để đi Thụy Sỹ vì lúc này trời bắt đầu ấm lên, băng trên các đỉnh núi bắt đầu tan. Thành ra đường lên núi sẽ bị bùn và cây cỏ còn chưa mọc nữa trông rất là trơ trọi. Với lại do vừa hết mùa du lịch đông nên nhiều nhà hàng, dịch vụ cũng sẽ đóng cửa.  

 

kinh nghiệm du lịch thụy sĩ tự túc
Thụy Sĩ mùa hè đẹp như một bức tranh

 


3. Kinh nghiệm di chuyển du lịch Thụy Sĩ tự túc

3.1. Kinh nghiệm di chuyển du lịch Thụy Sĩ

Với hệ thống giao thông phát triển, từ các quốc gia Châu Âu có thể dễ dàng di chuyển đến Thụy Sĩ bằng đường bộđường hàng không

Còn bên trong nội địa Thụy Sỹ, phương tiện di chuyển phổ biến nhất là đi tàu. Dù có địa hình đồi núi cao nhưng hệ thống tàu ở Thụy Sĩ rất phát triển và thuận thiện (các bạn có thể xem nhiều video về những tuyến tàu vượt núi, vượt đèo của Thụy Sĩ trên mạng). Và đặc biệt khung cảnh dọc đường đi thì đẹp không có gì có thể miêu tả được.

Và một cái mình nhận ra là ở Thụy Sỹ, có rất ít sân bay (cả quốc gia có 7 sân bay chính phục vụ các chuyến bay nội địa và quốc tế). Cái này mình có tìm hiểu do Thụy Sĩ là quốc nội lục và cơ sở hạ tầng phát triển nên họ không cần phát triển sân bay nhiều làm gì. 

Vì là một quốc gia đắt đỏ, cho nên vé các phương tiện di chuyển ở Thụy Sĩ không hề rẻ. Để thuận tiện và tiết kiệm chi phí các bạn nên mua thẻ di chuyển. Có rất nhiều loại thẻ di chuyển và việc chọn lựa sẽ phụ thuộc vào vùng bạn đi du lịch và nhu cầu sử dụng. Về các loại thể di chuyển ở Thụy Sĩ, mình sẽ nói rõ ở phần dưới đây. 

 

di chuyển du lịch thụy sĩ

 

3.2. Các loại thẻ du lịch Thụy Sĩ 

Có nhiều loại thẻ du lịch Thụy Sĩ. Tuy nhiên mỗi vùng, mỗi khu vực lại có một loại thẻ riêng phục vụ nhu cầu của từng vùng hoặc khu vực (bản thân mình khi nghiên cứu về mấy cái loại thẻ này cũng chóng hết cả mặt). Và mỗi loại thẻ đều có hạn mức từ 3-4-6-8-15 ngày tùy vào lịch trình của từng khách. Quá là tiện lợi. 

Tuy nhiên giá của mỗi loại thẻ này lại không hề rẻ chút nào cả (gần 8 triệu là mức giá thấp nhất – thế mới thấy Thụy Sĩ đắt đỏ thế nào). Trước khi mua phải tính toán kỹ. 

Dưới đây mình sẽ giới thiệu một số loại thẻ du lịch Thụy Sĩ phổ biến để cho các bạn dễ lựa chọn:

  • Swiss Travel Pass: Đây là loại thẻ phổ biến nhất. Cho phép bạn sử dụng tất cả các loại phương tiện giao thông như tàu hỏa, tàu thủy, xe buýt… tại Thụy Sĩ. Ngoài ra thẻ này còn miễn phí vé vào cửa hơn 500 bảo tàng và ưu đãi giá vé cho các tuyến lên đỉnh núi. 
  • Swiss Half Fare Card: Giá khoảng 120 CHF (3.000.000 VND), Thẻ này sẽ giảm 50% khi sử dụng phương tiện giao thông trong Thụy Sĩ. 
  • Saver Day Pass: Vé 1 ngày cho tất cả mọi loại phương tiện giao thông công cộng. Có thể mua cùng với Swiss Half Fare Card để được giảm giá. 
  • Jungfrau Pass: Cho phép sử dụng tất cả các phương tiện công cộng tại vùng Jungfrau và một số tuyến cáp treo. Và giảm giá cho vé lên đỉnh Jungfraujoch
  • Bernese Oberland Pass: Cho phép sử dụng tất cả các phương tiện công cộng, một số tuyến đường thủy chọn lọc và 25 tuyến cáp treo lên núi tại khu vực Bernese Oberland. 

 

Để cho dễ dàng chọn lựa bạn có thể xem bảng tổng hợp dưới đây:

thẻ du lịch thụy sĩ

 

Vậy nên lựa chọn loại thẻ nào cho chuyến du lịch Thụy Sĩ của bạn

Như mình đã nói ở trên, thẻ du lịch Thụy Sĩ nào cũng có cái lợi của nó, việc lựa chọn sẽ phụ thuộc vào lịch trình của bạn. 

Như mình, mình có lịch trình 3N2D tại Interlaken (rồi từ đây sẽ đi Grindelwald, Lauterbrunnen, First và lên đỉnh Jungfraujoch). Với lịch trình như này, mình sẽ chủ yếu di chuyển quanh khu vực Interlaken. Và mình muốn lên đỉnh Jungfraujoch. 

Sau khi nghiên cứu Swiss Travel Pass, Jungfrau Pass, Bernese Oberland Pass. Giá của 3 loại trong 3 ngày lần lượt là 244 CHF, 210 CHF và 240 CHF (Jungfrau Pass là rẻ nhất). 

Thì cả 3 thẻ này đều cho phép tự do sử dụng các phương tiện công cộng tại Interlaken. Tuy nhiên do nhu cầu mình muốn lên Jungfraujoch, mà chỉ có mỗi Jungfrau Pass là cho phép người sở hữu mua vé với giá ưu đãi. Phân tích 2 tiêu chí là giá và tiện ích sử dụng trên mình đã chọn Jungfrau Pass. 

 

di chuyển du lịch thụy sĩ
Hãy lựa chọn cho bản thân một loại thẻ di chuyển phù hợp khi du lịch Thụy Sĩ để hành trình được tiết kiệm và trọn vẹn.

 



 


4. Kinh nghiệm đặt phòng du lịch Thụy Sĩ tự túc

Một vấn đề khá đau đầu khi du lịch Thụy Sĩ là tìm nơi lưu trú. Đau đầu vì giá phòng ở Thụy Sĩ không hề rẻ (mình mất khá nhiều thời gian để tìm phòng tại Thụy Sỹ). 

Để tìm kiếm phòng các bạn có thể sử dụng booking.com, AgodaAirbnb. Trong chuyến du lịch Thụy Sĩ, mình lựa chọn các option có giá rẻ nhất và ở trung tâm (để đi bộ cho tiện không tốn thêm chi phí di chuyển trong thành phố). Nói là rẻ nhưng giá vẫn cao hơn so với các quốc gia Châu Âu khác. 

Lưu ý là khi đặt phòng tại một số thành phố, bạn sẽ được tặng thẻ sử dụng miễn phí phương tiện công cộng ở thành phố đó trong các ngày mà bạn lưu trú. Thường các chủ nhà nghỉ hoặc khách sạn sẽ đưa cho bạn (nếu họ không đưa bạn hãy xin họ nhé). 

Để tìm kiếm và tham khảo giá phòng du lịch Thụy Sĩ, các bạn có thể tham khảo bản đồ tương tác dưới đây:

 

 


5. Các điểm du lịch ở Thụy Sĩ

5.1. Interlaken

Interlaken, là một thị trấn thuộc bang Bernese Oberland miền trung Thuỵ Sĩ. Cái tên Interlaken phần nào cũng thể hiện vị trí của nó, nằm giữa 2 hồ nước tuyệt đẹp là hồ Thun và hồ Brienz. Nơi đây cũng là cửa ngõ để lên các đỉnh núi cao nổi tiếng Jungfrau, Eiger và Monch. Chính vì thế, mà Interlaken đã trở thành một điểm đến hấp dẫn nhất tại Thụy Sĩ, nơi để tận hưởng khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp. 

 

Interlaken thụy sĩ
Khung cảnh như trong câu chuyện cổ tích tại Grindelwald

 

5.2. Zurich

Nằm bên bờ hồ Zurich xinh đẹp và gần dãy Alps, Zurich là trung tâm tài chính, văn hóa và giáo dục của Thụy Sĩ. Thành phố nổi tiếng khu phố cổ cổ kính, chất lượng cuộc sống cao và môi trường sống trong lành. Đổng thời Zurich còn có nền văn hóa phong phú với nhiều viện bảo tàng, nhà hát, và trường đại học danh tiếng như ETH Zurich.

 

5.3. Lucerne 

Luzern bắt nguồn từ một làng chài cổ bên hồ, nơi có một tu viện dòng thánh Bê-nê-đích, Saint Leodegar. Sau khi đường sắt được xây dựng qua Gotthard, thành phố Luzern phát triển và trở nên quan trọng như ngày nay, một địa điểm du lịch được yêu thích. tuy nhiên thành phố vẫn giữ nguyên nét cổ kính đặc trưng với cây cầu gỗ Chapel bắc ngang qua dòng sông Reuss thơ mộng. 

 

du lịch thụy sĩ lucerne

 

5.4. Geneva

Geneva là thành phố lớn thứ hai của Thụy Sĩ, nằm ở phía tây nam, bên bờ hồ Geneva (Lac Léman) và gần biên giới Pháp. Đây là trung tâm ngoại giao toàn cầu, nổi tiếng với vai trò là trụ sở của nhiều tổ chức quốc tế như Liên Hợp Quốc (Văn phòng Geneva), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), và Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế. Geneva còn được biết đến với môi trường sống chất lượng cao, sự đa dạng văn hóa, và vai trò trung tâm tài chính – ngân hàng quốc tế.

 

5.5. Bern

Bern (hay Berne) là thủ đô của Thụy Sĩ, nổi tiếng với khu phố cổ được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới. Thành phố nằm bên dòng sông Aare uốn lượn, nổi bật với kiến trúc thời Trung cổ, những mái nhà ngói đỏ, tháp đồng hồ Zytglogge cổ kính và các dãy hành lang mái vòm dài. Bern mang vẻ đẹp thanh bình, kết hợp hài hòa giữa lịch sử, văn hóa và thiên nhiên, đồng thời là trung tâm chính trị của đất nước Thụy Sĩ.

thành phố Bern

 

5.6. Zermatt

Zermatt là một thị trấn nghỉ dưỡng nổi tiếng ở bang Valais, Thụy Sĩ, nằm ngay dưới chân ngọn núi Matterhorn – một trong những đỉnh núi biểu tượng của dãy Alps với hình chóp đặc trưng cao 4.478 mét (chắc hẳn các bạn không lạ gì với hình ảnh đỉnh núi trên bao bì của sô cô la Toblerone).

Zermatt thu hút du khách quanh năm nhờ khung cảnh hùng vĩ, không khí trong lànhcùng các hoạt động như trượt tuyết, leo núi, và đi bộ đường dài. Biến nơi đây thành điểm đến mơ ước của nhiều người yêu thích mạo hiểm và nhiếp ảnh, đồng thời là biểu tượng văn hóa và du lịch nổi bật của Thụy Sĩ.

 

5.7. Hồ Lugano

Hồ Lugano là một hồ nước tuyệt đẹp nằm ở biên giới giữa Thụy Sĩ và Ý, thuộc vùng Ticino – bang nói tiếng Ý của Thụy Sĩ. 

Lugano nổi bật với làn nước xanh biếc, được bao quanh bởi những ngọn núi thơ mộng và những thị trấn duyên dáng như Lugano, Morcote và Gandria. Nơi đây sự kết hợp hài hòa giữa văn hóa Thụy Sĩ và phong cách Ý cùng phong phong cảnh thiên nhiên tuyệt sắc, tạo nên một điểm đến lý tưởng cho du lịch nghỉ dưỡng, tham quan, đi thuyền và thưởng thức ẩm thực Địa Trung Hải.

 

zermatt
Ngôi làng Zermatt và đỉnh Matterhorn nổi tiếng

 


6. Kinh nghiệm lên lịch trình du lịch Thụy Sĩ tự túc

6.1. Kinh nghiệm lên lịch trình du lịch Thụy Sĩ

Mình phải công nhận là Thụy Sĩ rất đẹp, muốn ở thật lâu để có thể cảm nhận được hết vẻ đẹp nơi đây. Mong muốn là một chuyện, nhưng sẽ bị hiện thực tàn khốc vùi dập. Chi phí ở Thụy Sĩ quá đắt đỏ, cho nên là chỉ có thể du lịch trong một khoảng thời gian ngắn. Lịch trình tối ưu nhất (vừa đi được nhiều điểm đẹp, vừa tối ưu được chi phí) để du lịch Thụy Sĩ là 4N3D.

Vấn đề đặt ra ở đây là làm thế nào để vừa tham quan được những điểm đẹp nhất của Thụy Sĩ trong thời gian ngắn. Và mình đã làm thế nào để xếp các điểm mình muốn đi trong vòng 4N3D. 

 

Dưới đây là là một số mẹo lên lịch trình du lịch Thụy Sĩ: 

Thứ nhất, nên đi vào mùa hè vì thời gian ban ngày dài (9h trời mới tối), đi chơi được nhiều điểm. Chứ đi mùa đông mặc dù tuyết rất đẹp, nhưng mà tối nhanh, thành ra không đi chơi được nhiều. Và nên đi sớm để tránh đông mà lại có nhiều thời gian đi chơi trong ngày. 

Thứ hai, nên đi các điểm tiện một cung đường. Việc tối ưu này sẽ giúp các bạn giảm thời gian di chuyển và tối ưu lịch trình.

Ví dụ như quanh khu vực Interlaken chẳng hạn. Quanh khu vực này có Grindelwald, Lauterbrunnen, Iseltwald (làng Hạ cánh nơi anh), Brienz, Wengen, Murren và đỉnh Jungfraujoch,… Thì muốn lên đỉnh Jungfraujoch sẽ phải đi qua ga Grindelwald. Thế là mình xếp sáng lên đỉnh Jungfraujoch, chiều quay lại Grindelwald tham quan. Chứ mình sẽ không tự dưng sáng đi Jungfraujoch xong lại hứng lên về Interlaken, để đi đến Brienz. Vì đi như này sẽ rất bị mất thời gian mà lại trái đường. 

Thứ ba, tối ưu thẻ di chuyển. Như mình đã chia sẻ ở trên về các loại thẻ di chuyển khi du lịch Thụy Sĩ. Đã rất nhiều tiền mua thẻ rồi, thì phải tận dụng triệt để. Bạn nên kiểm tra các quyền lợi của thẻ và xếp các điểm được hưởng ưu đãi. 

Như thẻ Jungfrau Travel Pass, mình mua có ưu đãi giá vé lên đỉnh Jungfraujoch và miễn phí cáp treo lên đỉnh First (Grindelwald). Thế là mình tận dụng đi 2 điểm này luôn (mà 2 điểm này lại cùng cung đường)

 

jungfraujoch thụy sĩ
Để có thể đặt chân được đến đỉnh Jungfraujoch thì phải bỏ một cái giá không hề rẻ.

 

6.2. Lịch trình du lịch Thụy Sĩ tham khảo

Dưới đây là lịch trình du lịch Thụy Sĩ tham khảo của Chibikiu, lịch trình này mình đi vào cuối tháng 5, trời sáng đến tận 9 giờ tối cho nên đi chơi được khá nhiều điểm trong một ngày. 

Các điểm đến mình lựa chọn đó là Lucerne, Interlaken (từ Interlaken sẽ đi Brienz, Iseltwald, Grindelwald, Jungfrau, First, Lauterbrunnen). Dù chuyến đi của mình gói trọn trong 4N3D nhưng đủ để trải nghiệm tất cả những gì tinh túy của quốc gia này. Từ thành phố cổ kính, làng quê yên bình tới những ngọn núi tuyết hùng vĩ hay những hồ nước trong xanh. 

Dưới đây là lịch trình du lịch Thụy Sĩ 4N3D tham khảo của Chibikiu:

Ngày 1: Lucerne

Ngày 2: Brienz – Interlaken – Iseltwald

Ngày 3: Jungfrau – Grindelwald – First

Ngày 4: Lauterbrunnen – Interlaken 

 

Lịch trình du lịch thụy sĩ tự túc

 


7. Kinh nghiệm ăn uống du lịch Thụy Sĩ

7.1. Kinh nghiệm ăn uống du lịch Thụy Sĩ

Không phải có phải do quy luật bù trừ hay không. Và phải phải đưa ra nhận xét rằng đồ ăn ở Thụy Sĩ rất chán. Kể cả khi mình đã chọn nhà hàng Trung Quốc, Thái Lan và cả Việt Nam, nhưng không được nhà hàng nào ra hồn trong cả chuyến đi Thụy Sĩ. Cho nên là mình thực sự không có chút ấn tượng nào về đồ ăn Thụy Sĩ cả. 

Và lại một lần nữa phải nói đến từ “đắt” ở đây, một phần ăn tại Thụy Sĩ sẽ có giá cao hơn gấp rưỡi so với ở Pháp hay Đức. 

Một lựa chọn để tiết kiệm chi phí du lịch Thụy Sĩ đó là mua đồ ăn trong siêu thị. Tuy nhiên, kể cả khi bạn vào siêu thị mua đồ ăn (bánh mỳ, bơ, thịt nguội…) thì giá vẫn không có chuyện rẻ, mà vẫn cao hơn ở các nước Châu Âu khác. Bình thường ở Pháp mua một ổ bánh mì chỉ tầm 2e, nhưng mà ở Thụy Sĩ lại gấp đôi.

 

7.2. Các món ăn nên thử ở Thụy Sĩ

Dưới đây là một số món ăn bạn nên thử trong chuyến du lịch Thụy Sĩ: 

  • Fondue: Món phô mai nóng chảy được nấu trong nồi, ăn kèm với bánh mì, khoai tây hoặc rau.
  • Raclette: Một loại phô mai được nung chảy và rưới lên khoai tây luộc, dưa chuột muối, hành và đôi khi kèm xúc xích.
  • Zürcher Geschnetzeltes: Đặc sản của Zurich: thịt bê thái lát mỏng nấu với kem và nấm, thường ăn kèm với Rösti (khoai tây chiên kiểu Thụy Sĩ).
  • Sô cô la Thụy Sĩ: Nổi tiếng trên toàn thế giới với hương vị mịn, ngọt và tinh tế – không thể bỏ qua khi đến đây. Các thương hiệu nổi bật: Lindt, Toblerone, Läderach.

 


8. Chi phí du lịch Thụy Sĩ tự túc

8.1. Chi phí du lịch Thụy Sĩ tự túc

Thụy Sĩ là quốc gia đắt đỏ nhất Châu Âu. Sự thực là chi phí gì ở Thụy Sĩ mình cũng thấy đắt, từ lưu trú, ăn uống, di chuyển… Và một điểm đặc biệt là các chi phí ở Thụy Sĩ đắt đều nhau, không có cái nào rẻ hơn cái nào. Điều này sẽ khiến chi phí du lịch của bạn bị đội lên khá nhiều. 

Trong chuyến du lịch 4N3D tại Thụy Sĩ, bọn mình đã cố gắng chọn những option ngon, bổ, rẻ nhưng kết quả chi phí vẫn cao. 

Và một lý do khiến mình càng thấy du lịch Thụy Sĩ đắt. Tại mình đang du lịch bên Bồ Đào Nha thấy chi phí phải chăng, sang Thụy Sĩ kiểu bị shock, vì cái gì cũng đắt quá. Có một lời khuyên là bạn nên đi nước nào chi phí cũng đắt một chút trước khi du lịch Thụy Sĩ, để khi sang đến nơi cho khỏi bỡ ngỡ. 

 

lauterbrunnen thụy sĩ du lịch
Thụy Sĩ rất đẹp nhưng mà… chi phí du lịch siêu đắt

 

8.2. Mẹo tiết kiệm du lịch Thụy Sĩ

– Đi vào mùa thấp điểm. Vâng đi vào thấp điểm bạn sẽ tiết kiệm kha khá chi phí.

– Đặt phòng khách sạn có ăn sáng, để tiết kiệm một chút tiền ăn. 

– Khi lưu trú tại một số khu vực, khách sẽ được tặng thẻ sử dụng miễn phí phương tiện công cộng ở thành phố đó trong các ngày lưu trú. Các bạn nhớ xin 

– Tuy sở hữu đồng tiền riêng (đồng Franc Thụy Sĩ), nhưng ở Thụy Sĩ người bán hàng vẫn sẽ nhận tiền (và trả lại bằng tiền € hoặc Fr). Tuy nhiên, nhiều chỗ tỷ giá sẽ do người trả quyết định (chứ họ cũng chả buồn xem tỷ giá đâu). Cho nên các bạn cân nhắc trước khi trả tiền để tránh bị thiệt nhé. 

 



 


9. Tổng kết: Kinh nghiệm du lịch Thụy Sĩ tự túc

9.1. Tips du lịch Thụy Sĩ tự túc

– Các bạn có thể sử dụng sim vật lý và esim cho chuyến du lịch Châu Âu. Xét về độ tiện dụng thì esim tiện hơn là sim vật lý, và chất lượng cũng tương đương (mình thấy sóng cũng không bị yếu hơn như các review hay nói về esim). Các bạn có thể mua sim qua Klook hoặc mua qua các đại lý du lịch. Và cài trước ở nhà để đến nơi là sử dụng được luôn. 

– Mua bảo hiểm du lịch khi đi du lịch Châu Âu. Bảo hiểm chỉ có giá tầm 500,000 VND cho một chuyến đi 10 ngày. Cho nên các bạn đừng có tiếc tiền mà không mua bảo hiểm du lịch nhé. 

– Nên đặt vé trước các điểm tham quan để tránh trường hợp phải mất thời gian xếp hàng mua vé. Các bạn có thể đặt vé qua GetYourGuide, Viator hoặc Klook (đừng quên so sánh giá và đọc review trước khi đặt vé hay dịch vụ nhé). 

 

9.2. Tổng kết

Trên đây là Kinh nghiệm du lịch Thụy Sĩ của Chibikiu. Hy vọng sau bài viết này các bạn sẽ có thêm nhiều thông tin và tự tin hơn cho chuyến hành trình du lịch Thụy Sĩ sắp tới. 

Nếu cần thêm thông tin, các bạn có thể tham khảo các bài viết khác trong series Du lịch Thụy Sĩ dưới đây:

Nếu thấy bài viết trên đây có ích, các bạn có thể giúp mình duy trì blog bằng cách nhấn vào link dưới đây nhé:

– TỔNG HỢP WEBSITE CẦN THIẾT KHI ĐI DU LỊCH –

error: Content is protected !!
Buy Me A Coffee
Thank you for visiting. You can now buy me a coffee!