Kinh nghiệm xin visa Schengen từ UK

Châu Âu luôn là điểm du lịch hấp dẫn bởi vẻ đẹp cổ kính và phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp. Tuy nhiên xin visa Schengen là một trong những trở ngại lớn nhất đối với những ai muốn du lịch Châu Âu tự túc. Chính vì thế mà trong thời gian du học Anh, Kỳ cũng tranh thủ xin visa Schengen tại đây luôn. Phần vì hồ sơ đơn giản và thời hạn visa  dài hơn nhiều so với xin ở Việt Nam. Vậy quá trình xin visa như thế nào và hồ sơ xin visa Schengen ở Anh có khác gì so với xin ở Việt Nam. Bài viết sau đây mình sẽ chia sẻ Kinh nghiệm xin visa Schengen từ UK nhé.

 

kinh nghiệm xin visa schengen từ uk
Kinh nghiệm xin visa Schengen từ UK

 


I. Visa Schengen là gì?

Visa Schengen là một loại thị thực cho phép công dân từ các nước ngoài khối Schengen tự do đi lại giữa các quốc gia thành viên trong hiệp ước.

Hiện nay, khu vực Schengen bao gồm 26 quốc gia: Áo, Bỉ, Thụy Sỹ, Cộng hòa Séc, Đức, Đan Mạch, Estonia, Phần Lan, Pháp, Hy Lạp, Hungary, Iceland, Italy, Lithuania, Luxembourg, Latvia, Litva, Malta, Hà Lan, Na Uy, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Slovenia và Slovakia.

Ngoài ra, nếu có visa Schengen bạn vẫn có thể đi được một số quốc gia và vùng lãnh thổ không nằm trong khối như Vatican, San Marino (do nằm trong Ý), và Monaco (nằm trong Pháp), Croatia (chỉ áp dụng với visa Schengen loại C – multi) …

 

phố cổ dubrovnik croatia

 



 


II. Điều kiện xin visa Schengen từ UK

– Giấy tờ chứng minh đang cư trú ở UK hợp pháp – BRP. Trong trường hợp bạn có visa du lịch hoặc visa cho khóa học ngắn hạn còn hiệu lực (loại C) thì cũng có thể xin được visa Schengen tại UK nhưng tùy ĐSQ nhé. Với ĐSQ Pháp thì không chấp nhận loại visa này trong khi ĐSQ Hà Lan thì có.

– Thị thực tại Vương Quốc Anh của bạn cần phải còn hiệu lực tối thiểu 3 tháng sau khi kết thúc chuyến đi từ các nước thuộc khối Schengen.

VD: Nếu visa UK của bạn hết hạn vào 02/02/2018, bạn phải xin visa trước 02/11/2017. Nếu xin sau thời gian trên thì một số trường hợp vẫn được chấp nhận nhưng hên xui.

 


III. Xin visa Schengen nước nào dễ nhất

Như mình đã nói ở trên khu vực Schengen gồm 26 quốc gia thành viên. Tuy nhiên không phải nước nào cũng hào phóng cho bạn thời hạn visa dài, và có những nước làm khá chặt vụ cấp visa Schengen. Cho nên trước mỗi chuyến đi, bạn cần xác định xem nên xin ở Đại Sứ Quán (ĐSQ) nào.

Không nhất thiết cứ phải đi nước nào là xin visa nước đó. Theo lời khuyên các bạn làm trước, thì xin ở ĐSQ PhápHà Lan là thủ tục kinh hoạt và được thời hạn dài nhất. Nên mình cũng xin visa Schengen ở Pháp luôn.

Thông tin này là hoàn toàn chính xác, mình xin ở Pháp được 6 tháng trong khi bạn mình xin ở Hy Lạp được đúng số ngày trong lịch trinh (cụ thể là 15 ngày), mà 2 đứa đều xin lần đầu.

 

xin visa schengen từ uk
Nên xin visa Schengen tại Pháp

 


IV. Đặt lịch hẹn xin visa Schengen 

Các bạn vào trang web sau để đăng ký hồ sơ và đặt lịch hẹn. Sau khi kích hoạt tài khoản xong, các bạn sẽ được yêu cầu điền đầy đủ các thông tin được yêu cầu.

Lưu ý các thông tin điền sai vẫn có thể điền bằng tay lại nên không cần quá lo lắng khi lỡ điền sai gì nhé.

Điền Visa Schengen Application Form xong xuôi, các bạn sẽ được chuyển đến trang đặt lịch hẹn. Đây là bước khó khăn nhất vì lịch hẹn hay bị kín. Mình xin đúng vào đợt cao điểm chuẩn bị vào mùa du lịch, nên phải đặt lịch trước 3 tuần mới có lịch trống.

 

Hồ Como Italy

 



 


V. Chuẩn bị hồ sơ xin visa Schengen

Mình sẽ note ra đây các giấy tờ mình chuẩn bị cho hồ sơ xin visa Schengen và một số các chú ý quan trọng.  (Lưu ý các thông tin dưới đây chỉ mang tính tham khảo, mỗi người sẽ khác nhau):

 

1. Hộ chiếu: Còn hạn 6 tháng và có đủ trang để dán visa

 

2. Thư xác nhận sinh viên của cơ sở giáo dục

  • Thư này bạn có thể xin tại văn phòng của trường. Lưu ý nên xin giấy xác nhận gần ngày nộp visa, một số trường hợp bị từ chối vì thư xác nhận quá 2 tháng so với ngày nộp visa.
  • Sau khi học xong nhưng chưa tốt nghiệp thì vẫn có thể xin thư xác nhận sinh viên được, nhưng còn tùy từng trường nữa. Như bạn mình học trường University of East Angila vừa nộp xong bài cuối mà xin thư xác nhận trường đã không cho rồi.
  • Nếu dưới 18 tuổi phải có giấy bảo lãnh

 

3. Thẻ cư trú BRP: Mang theo bản gốc và photo thêm 1 bản nữa

 

4. Vé máy bay hoặc vé tàu xe

  • Nếu được, các bạn mua vé luôn rồi nộp cùng là tốt nhất.
  • Mình xin ở LSQ Pháp, họ chỉ yêu cầu booking reservation thôi chứ không cần vé đã thanh toán. Vé mình nhờ chị Sammy Wu book book hộ, nếu các bạn cần thêm thông tin gì có thể liên hệ chị Sammy nhé.
  • Nhân viên TLS sẽ giữ lại vé máy bay

 

5. Booking khách sạn

  • Book những khách sạn cho free cancellation. Nhưng mà trong tài khoản các bạn vẫn phải có đủ tiền để đặt phòng nhé không bên khách sạn sẽ tự động hủy booking của bạn luôn. Cái này khách sạn sẽ không thông báo mà do mình vào kiểm tra tài khoản thấy tự dựng bị block tiền nhé.
  • Booking các điểm lưu trú phải trùng khớp với ngày đi dự kiến.
  • Thời gian tại các điểm lưu trú phải hợp lý. Ví dụ các bạn không thể đi Châu Âu 15 ngày, mà chỉ book phòng 15 ngày ở một địa điểm được.
  • Nhân viên TLS sẽ giữ lại booking khách sạn


Booking.com

 

6. Lịch trình chuyến đi

Lịch trình không cần làm quá chi tiết, vì nhân viên lãnh sự quán thậm chí còn không thèm nhìn lịch trình của mình. Mình copy nguyên lịch trình Paris 5N4D của con em, chỉ thay ngày đi thôi.

 

7. Visa Schengen Application Form

Các bạn chỉ cần in form xin visa đã điền ra. Nếu cần chỉnh sửa, có thể đến LSQ điền lại bằng tay cũng được.

 

8. 2 ảnh 3,5 x 4,5 cm

Mình mang ảnh chụp ở Việt Nam đi nộp nhưng nhân viên lễ tân không đồng ý bắt chụp lại vì ảnh không đúng theo quy định.

Hầu hết ai cũng phải chụp lại ảnh hết, không ai tránh được luôn. Các bạn sẽ chụp ảnh tại máy tự động và mất £5

 

9. Bảo hiểm du lịch

  • Lưu ý bảo hiểm phải đáp ứng yêu cầu sau “The insurance should cover medical fees and repatriation costs of a minimum 30,000 euros”
  • Kỳ mua bảo hiểm loại Annual Multi-trip Silver £13,69 ở trang: https://cheaper.travelinsurance.co.uk/.

 

10. Sao kê tài khoản

  • Tài khoản nên có càng nhiều tiền các tốt, nhưng số dư cuối cùng phải cover đủ chi phí du lịch (tối thiểu phải có đủ £60 / ngày).
  • Theo như quy định thì bank statement phải tối thiểu 3 tháng. Nhưng nếu bạn muốn xin visa sớm thì chỉ cần xin thêm 1 open letter của ngân hàng và in bank statement ra là được. Tham khảo mẫu Open Letter tại link sau.
  • Dịch vụ in bank statement này thì mỗi ngân hàng sẽ khác nhau. Như tài khoản mình mở ở Lloyds, thì ra ngân hàng xin sẽ được một bản miễn phí, từ bản thứ 2 trở đi sẽ mất phí. Còn bạn mình ở Santander phải tự in ở nhà và mang ra ngân hàng xin dấu.

 

11. Thư mời của người thân ở các nước thuộc khối Schengen: Cái này mình nghĩ không nên submit làm gì cả vì có người thân thì càng có nguy cơ bị từ chối visa Schengen.

 

visa schengen uk

 


VI. Đến nộp hồ sơ

Các bạn có thể đến sớm hơn lịch hẹn 30 – 45 phút cũng không sao cả nhé. Đầu tiên sẽ bước qua một cửa kiểm tra an ninh. Sau đó sẽ vào quầy lễ tân.

Nếu bạn cần sửa thông tin gì trong Form xin visa Schengen có thể ra bàn ngồi điền bằng tay lại. Nếu không thì ra quầy lễ tân, đưa hồ sơ cho nhân viên kiểm tra một lượt. Hồ sơ đủ các giấy tờ cần thiết, nhân viên sẽ lấy số cho bạn.

Trong khi chờ đến lượt lưu ý để chuông điện thoại chế độ im lặng tránh làm ảnh hưởng đến người khác.

Khi đến lượt, nhân viên sứ quán sẽ xem hồ sơ của bạn, hỏi 1 – 2 câu, sau đó giữ lại: hộ chiếu, ảnh, vé máy bay, booking khách sạn và đơn xin thị thực. Tiếp đó bạn sẽ qua quầy để đóng tiền, sau khi đóng tiền xong sẽ chụp ảnh và lấy dấu vân tay.

 

visa schengen uk
Khi đến lượt, nhân viên sứ quán sẽ xem hồ sơ của bạn, hỏi 1 – 2 câu và giữ lại một số giấy tờ

 


VII. Nhận kết quả 

Sau từ 3 – 5 ngày làm việc, bạn sẽ nhận được tin nhắn từ LSQ thông báo trả visa. Nếu bạn nào xin trúng vào thời gian nghỉ lễ như mình sẽ mất tầm hơn 10 ngày.

Các bạn có thể lấy passport bằng các cách sau:

  • Đăng ký dịch vụ chuyển phát về tận nhà (mất £15,1)
  • Đến tận nơi lấy (mang theo BRP + checklist)
  • Nhờ người thân lấy hộ. Trường hợp này ngoài các giấy tờ cần thiết, các bạn sẽ phải chuẩn bị 1 thư ủy quyền cho người thân cầm theo.

 



 


VIII. Tổng kết: Kinh nghiệm xin visa Schengen từ UK 

8.1. Các lưu ý về visa Schengen

– Các bạn có thể làm qua dịch vụ với giá £100 – 120 nhưng thời hạn visa cũng không tăng lên hay ngắn đi nhé (quan trọng là hồ sơ của mình)

– Khi có visa xong, thì bạn có thể nhập cảnh vào nước nào thuộc khối Schengen trước cũng được. Không nhất thiết là xin visa nước nào phải nhập cảnh nước đấy đầu tiên (lưu ý chỉ áp dụng với trường hợp xin visa Schengen từ UK nhé)

– Hầu hết các bạn sinh viên xin lần đầu đều sẽ được Visa Schengen Multi có thời hạn 6 tháng hết. Duy chỉ có một số trường hợp cá biệt là ít hơn 6 tháng thôi.

– Trong thời hạn visa Schengen còn hiệu lực, bắt buộc phải có dấu nhập cảnh hoặc xuất cảnh của quốc gia cấp visa. Nếu bạn không có dấu thì sẽ ảnh hưởng tới các lần xin kế tiếp (thời hạn visa sẽ bị giảm xuống hoặc bị từ chối cấp visa)

 

8.2. Tổng kết

Hy vọng sau bài viết dưới đây, các bạn đã có thể tự tin apply xin visa Schengen từ UK rồi chứ. Lúc đầu sẽ thấy hơi khó một chút, nhưng dần dần sẽ thấy không hề phức tạp một chút nào luôn.

Ngoài bài viết Kinh nghiệm xin visa Schengen từ UK, các bạn có thể tham khảo một số bài viết khác xung quanh chủ đề Kinh nghiệm du lịch Châu Âu sau:

Nếu cần thêm thông tin, có thể tham khảo các bài viết khác trong series Du lịch Châu Âu dưới đây:

* Mẹo du lịch Châu Âu:

* Kinh nghiệm du lịch các quốc gia ở Châu Âu

* Kinh nghiệm du lịch các thành phố ở Châu Âu:

* Kinh nghiệm tham quan các di tích lịch sử:

Nếu thấy bài viết trên đây có ích, các bạn có thể giúp mình duy trì blog bằng cách nhấn vào link dưới đây nhé:

 

– TỔNG HỢP WEBSITE CẦN THIẾT KHI ĐI DU LỊCH –

error: Content is protected !!