Kinh nghiệm và cách chọn chủ đề viết blog

Để có thể xếp những viên gạch nội dung đầu tiên, trước tiên hết chủ nhân blog phải xác định được chủ đề của blog. Việc xác định được một chủ đề vừa phù hợp với sở thích của bản thân vừa đánh trúng thị hiếu của độc giả, và định hướng phát triển về lâu dài không hề đơn giản. Blog sau đây Chibikiu sẽ chia sẻ kinh nghiệm chọn chủ đề viết blog và giới thiệu 10 chủ đề blog được ưa chuộng hiện nay. 

 

Kinh nghiệm chọn chủ đề viết blog
Kinh nghiệm chọn chủ đề viết blog

 


1. Chủ đề viết blog là gì? 

Trước khi chia sẻ về cách chọn chủ đề blog, các bạn cần phải hiểu rõ về chủ đề blog là gì? Mình sẽ giải thích ngắn gọn dưới đây.

 

1.1. Chủ đề blog là gì 

Chủ đề blog là tổng hợp những nội dung mà tác giả muốn truyền tải với độc giả trên blog của mình. Chủ đề mà mỗi blogger lựa chọn sẽ được ví như cái “xương sống” để từ đó phát triển ra các nội dung cho một blog. 

Để dễ hình dung, thì việc phát triển một blog cũng giống như xây một ngôi nhà. Để xây nhà cao được thì bạn phải có một cái khung với các cột trụ vững chắc, rồi từ đó xếp các viên gạch vào. Thì ở đây cái khung chính là chủ đề blog, còn các viên gạch là các nội dung mà bạn sẽ truyền tải. 

 

chủ đề blog là gì

 

1.2. Chọn chủ đề gì để viết blog?

Việc chọn chủ đề viết blog sẽ phụ thuộc phần nhiều vào sở thích và khả năng của bạn. Tuy nhiên cũng phải nói thêm rằng việc chọn chủ đề viết blog không phải bạn cứ chọn đại một chủ đề bạn giỏi là xong, mà sẽ cần phải cân nhắc đến thị hiếu của độc giả và cả tính cạnh tranh trên thị trường nữa. 

Như mình đã nói ở trên, bạn có thể xây một ngôi nhà rất đẹp vá nó hoàn hảo trong mắt bạn. Nhưng lại không ai muốn mua ngôi nhà đấy cả, vì nó không phù hợp với nhu cầu sử dụng của khách hàng. Kết quả chỉ có một mình bạn ngồi ngắm ngôi nhà của bạn qua ngày.

Về chi tiết, Chibikiu sẽ chia sẻ kinh nghiệm chọn chủ đề và giới thiệu 10 chủ đề viết blog được yêu thích nhất hiện nay. 

 

chọn chủ đề gì viết blog

 



 


2. Cách chọn chủ đề viết blog 

Nếu bạn vẫn chưa tìm kiếm được một chủ đề phù hợp thì có thể tự trả lời cho mình các câu hỏi sau đây:

  • Bạn có thực sự đam mê với chủ đề đó?
  • Chủ đề đó có cạnh tranh không?
  • Định hướng và triển vọng phát triển của chủ đề trong thời gian dài

 

2.1. Bạn có thực sự đam mê với chủ đề?

Mình phải nhấn mạnh chữ thực sự ở đây. Vì nếu bạn không thực sự đam mê với chủ đề, thì rất dễ bỏ cuộc giữa chừng. 

Vì vậy các bạn cần chọn chủ đề mà mình thực sự đam mê. Chứ không phải chủ đề này đang hot thì ưu tiên nó, xong lúc sau thấy chủ đề đó hết hot lại đá sang chủ đề khác. 

Việc viết blog sẽ như trồng một cái cây, nếu bạn không chăm sóc nó thì cái cây sẽ héo mòn dần. Cho nên bạn phải dành nhiều thời gian và cả tình yêu cho đứa con tinh thần của bạn. 

Mình chọn chủ đề du lịch vì thứ nhất mình rất thích đi du lịch và muốn chia sẻ những kinh nghiệm du lịch đến với độc giả. Cái thứ hai là mình có đủ nguồn lực (tiền bạc và tư liệu nội dung, hình ảnh) để sáng tạo nội dung. 

 

đam mê viết blog

 

2.2. Tính cạnh tranh của chủ đề

Việc chọn chủ đề mà mới có ít người khai thác đồng nghĩa với việc bạn sẽ có nhiều đất để diễn. Tuy nhiên thì không phải ai cũng biết diễn. 

Tuy nhiên, không phải cứ chủ đề mà đã có nhiều người lựa chọn, thì bạn sẽ không còn đất diễn. Nên nhớ rằng trong một bộ phim có nhiều vai, dù bạn có đóng vai phụ, nhưng diễn xuất tốt cũng sẽ được mọi người nhớ đến.

Ví dụ như chủ đề du lịch của mình. Chủ đề này thì nhà nhà người người (các travel blogger, công ty du lịch, KOL,…) đều chọn nên tính cạnh tranh của nó thì khỏi phải nói. Nhưng mà thay vì chạy theo số lượng, mình chú trọng và chất lượng của bài viết. 

Cho nên các bạn có thể thấy ở một số bài viết mình vẫn đứng ở vị trí top 5 của Google (và cao hơn hẳn vị trí bài viết từ các công ty du lịch hay travel blogger nổi tiếng). 

 

tính cạnh tranh chủ đề viết blog

 

2.3. Định hướng và triển vọng và phát triển lâu dài

Một chủ đề dù có hay đến mấy mà không thể phát triển được trong thời gian dài, thì cũng coi như bỏ đi. Nếu chủ đề bạn lựa chọn không thể phát triển trong thời gian dài, thì rất khó để tiếp tục được. 

Như chủ đề phòng tránh covid-19, khi dịch bệnh đã qua đi thì không còn ai quan tâm nữa (và họ cũng không muốn nhìn lại một khoảng thời gian đen tối như thế cả).

Nói thêm một chút về bản thân, mình chọn chủ đề du lịch Châu Âu, vì chủ đề này chưa bao giờ hết hot cả (dù trong thời gian dịch Covid diễn ra, thì nhu cầu đi Châu Âu vẫn rất cao). Và mình có đủ tài nguyên để xây dựng nội dung cho chủ đề này. 

 

định hướng

 


3. Gợi ý các chủ đề viết blog

Nếu bạn vẫn chưa biết nên chọn chủ đề gì, thì dưới đây Chibikiu sẽ gợi ý một số chủ đề viết blog có tiềm năng hiện nay: 

 

3.1. Du lịch

Du lịch đích thị là chủ đề được rất nhiều người lựa chọn. Bởi vì chủ đề này có nhiều thứ để khai thác và có thể tạo ra doanh thu tốt. 

Tuy nhiên cũng vì thế mà chủ đề này có tính cạnh tranh rất lớn, nhà nhà làm du lịch, người người làm du lịch trong khi nhu cầu thị trường thì chỉ có thế (những từ khóa về chủ đề du lịch rất khó lên top của Google). 

Cho nên nếu đã theo chủ đề này, bạn cần phải tìm cho mình một ngách riêng để tiếp cận khách hàng. Ví dụ như có người sẽ chuyên về du lịch Châu Âu, người chuyên về du lịch Trung Quốc, hay người lại chuyên về du lịch Hạ Long. 

 

3.2. Thời trang, làm đẹp

Thời trang và làm đẹp luôn là một chủ đề nhận được sự quan tâm rất lớn của độc giả. Ai cũng có nhu cầu về chuyện ăn mặc và, nhưng không phải ai cũng biết cách phối đồ và dưỡng da sao cho phù hợp. Nên người đọc sẽ tìm đến những người mà họ tin tưởng để có thể tìm hiểu về cách làm đẹp.

Đã có rất nhiều blogger trên thế giới đã thành công với chủ đề thời trang và có người còn ghi dấu tên tuổi của mình trên bản đồ thời trang thế giới (như Chiara Ferragni). Tuy nhiên cũng phải nói rằng việc viết lách không còn quá phù hợp thời trang và làm đẹp, mà thay vào đó độc giả sẽ thích xem các video hơn. 

 

3.3. Ẩm thực

Ẩm thực đích thị là chủ đề được nhiều blogger “chọn mặt gửi vàng”. Nếu bạn là một người có đam mê ăn uống hoặc nấu ăn thì đúng là như cá gặp nước. Và ẩm thực cũng là chủ đề ổn định và có định hướng phát triển lâu dài. 

Một điều cần đặc biệt lưu ý khi triển khai chủ đề ẩm thực là ngoài cần một cái bụng lớn hay những công thức nấu ăn ngon, bạn còn cần phải có “đạo đức làm nghề” nữa . Vì đã có nhiều trường hợp vì tiền mà review bất chấp, kể cả quán ăn có dở nhưng cũng khen là ngon. 

Cứ bài nào mà review là siêu ngon, ăn cuốn, ăn với nước chấm siêu đỉnh… là mình sẽ lướt qua ngay, vì y như rằng ăn theo là “thảm họa”. Thay vì chạy theo số lượng và tương tác, các bạn nên đặt ưu tiên vào chất lượng bài đăng, để mỗi bài đăng là cả một hành trình ẩm thực, khiến độc giả nhớ đến. 

 

blog hay
Willflyforfood là một blog về ẩm thực rất hay mà mình hay theo dõi

 



 

3.4. Sức khoẻ

Một chủ đề mà không bao giờ “lỗi thời” và sẽ phù hợp với mọi đối tượng độc giả, không gì khác ngoài “sức khỏe”. Bởi vì chỉ khi có sức khỏe thì mới có thể học tập, làm việc và du lịch được. Và đặc biệt sau giai đoạn dịch Covid-19 diễn ra, chủ đề sức khỏe lại được quan tâm hơn bao giờ hết. 

Chủ đề sức khỏe có độ bao quát rộng, vừa là ưu điểm mà cũng vừa là nhược điểm. Vì nó quá rộng nên sẽ rất dễ bị lạc lối. Nếu muốn theo chủ đề này các bạn nên chọn cho mình một “ngách” để khai thác. Ngách ở đây sẽ là các nội dung sát và sâu hơn trong chủ đề sức khỏe. 

Và cũng phải chú ý, chủ đề sức khỏe không phải bạn cứ muốn viết gì thì viết, mà mỗi một ý kiến đưa ra sẽ phải dựa trên một cơ sở đã được khoa học chứng minh. 

 

chủ đề sức khỏe

 

3.5. Học tập và Du Học

Học tập là một quá trình dài, là một cách để con người tiếp cận tri thức, nâng cao trình độ, mở mang trí óc để khám phá những điều hay lẽ phải. Ai cũng sẽ phải học tập để trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình. Chủ đề học tập sẽ đánh trúng vào tâm lý này,  

Cũng phải nói thêm rằng, chủ đề học tập không chỉ giới hạn trong độ tuổi học sinh, sinh viên mà sẽ dành cho tất cả mọi đối tượng độc giả. 

Ví dụ với chủ đề học tiếng Nhật, thì không chỉ riêng học sinh mới có nhu cầu học tiếng Nhật, mà kể cả những người đi làm cũng sẽ cần học (vì nếu làm ở công ty Nhật, thì có bằng tiếng Nhật N3 hay N2 thì sẽ có cơ hội thăng tiến hơn).

 

chủ đề blog giáo dục

 

3.6. Làm việc và Hướng nghiệp 

Thị trường lao động luôn biến động, người lao động thì luôn cần cập nhật các thông tin mới về công việc và chế độ mới. Và thường các thông tin này không phải ai cũng sẽ hiểu và 

Đã có rất nhiều trường hợp người lao động bị lừa đóng bảo hiểm (nghĩa là tháng nào cũng bị trích từ tiền từ lương đóng bảo hiểm, nhưng cuối cùng khi nghỉ việc lại ngớ người ra vì chẳng có bảo hiểm) và không biết phải giải quyết như thế nào. 

Cho nên mỗi một người lao động ngoài kỹ năng nghiệp vụ cần trang bị cho mình các kiến thức về luật lao động, luật bảo hiểm,… để tránh gặp các sự cố không đáng. 

Và các blog có nội dung về việc làm và hướng nghiệp sẽ có nhiệm vụ tư vấn kiến thức và giải đáp các thắc mắc của người lao động, giúp họ có vững tin bước vào thị trường lao động.  

 

chủ đề viết blog việc làm

 

3.7. Công nghệ

Thế giới đang thay đổi hàng ngày, và cứ mỗi ngày trôi qua lại có thêm các sản phẩm công nghệ được ra đời. Và khi có nghệ mới ra đời lại thu hút sự tò mò và chú ý của đông đảo độc giả. 

Với chủ đề này bạn sẽ không thiếu cảm hứng để viết bài (vì có cơ man các sản phẩm mới ra đời mỗi ngày). Tuy vậy, chủ đề công nghệ lại đòi hỏi hiểu biết về thông số về kỹ thuật (việc nhớ và phân tích được các thông số kỹ thuật thì không phải đơn giản)

Giả sử như bạn review về một chiếc laptop mà chỉ khen kiểu văn mẫu “em này xinh, lướt mạng cực mượt” thì mình cá với bạn rằng sẽ chả có ai muốn xem bạn review cả. Vì đó không phải là thứ cần người đọc quan tâm khi vào một blog về công nghệ, mà họ muốn biết laptop đó phù hợp với nhu cầu nào, và thông số ra sao để có thể ra quyết định mua hàng. 

 

công nghệ

 

3.8. Nhà cửa & Nội Thất

Ai cũng có một ngôi nhà để đi về sau những giờ làm việc mệt mỏi hay sau những chuyến đi dài. Mỗi một ngôi nhà lại thể hiện gu thẩm mỹ và thế giới nội tâm của chủ nhà. Và không có một ngôi nhà nào giống một ngôi nhà nào cả, mỗi một cá nhân lại có cách riêng để trang trí cho tổ ấm của mình. 

Cho nên chăm chút cho “tổ ấm” là nhu cầu của bất cứ một cá nhân nào. Với chủ đề này, bạn cần đánh trúng vào tâm lý trên để tạo ra các nội dung thu hút người đọc và khuyến khích họ mua các sản phẩm được gắn link tiếp thị liên kết. 

 

chủ đề viết blog nội thất

 

3.9. Nuôi con

Nuôi con khôn lớn thực sự không đơn thuần chỉ là trách nhiệm với các ông bố bà mẹ, mà còn là một cuộc hành trình đầy vui vẻ nhưng cũng đầy gian nan.

Với chủ đề này, bạn bắt buộc phải biến mình trở thành “nhân vật trải nghiệm”, rồi từ đó đưa ra lời khuyên cho các bố mẹ (vì phải nuôi con rồi mới hiểu được nỗi lòng cha mẹ mới có thể đưa ra lời khuyên hữu ích, chứ chả có ai chưa có con lại đi dạy người có con cách nuôi con cả”.  

Và phải nói thêm rằng chủ đề này rất linh hoạt, ai cũng có thể lấn sân được. Các bạn có thể thấy rất nhiều KOL thời trang, mỹ phẩm đã chuyển mình thành các ông bố bà mẹ bỉm sữa sau khi có con.  

 

nuôi con

 

3.10. Viết Blog

Có thể các bạn sẽ hơi bất ngờ. Nhưng viết blog lại là một chủ đề nhận được sự quan tâm của đông đảo độc giả. Ai cũng sẽ có nhu cầu để chia sẻ về những trải nghiệm du lịch, những công thức nấu ăn ngon, mẹo trang trí nhà cửa …

Nhưng không phải ai cũng biết triển khai “đứa con tinh thần” của mình như thế nào? Sẽ phải bắt đầu từ đâu? Sẽ phải làm thế nào để nội dung của mình đến được với độc giả. 

Các website với chủ đề viết blog ra đời với mục đích hướng dẫn “những tấm chiếu mới mới” hay cả những bạn đã viết blog rồi nhưng bị mất phương hướng tạo ra một blog hoàn chỉnh nhất (vừa có các thông tin hữu ích vừa tối ưu trải nghiệm của người dùng)

 


4. Kinh nghiệm chọn chủ đề viết blog

4.1. Không cần thiết phải trở thành chuyên gia 

Các bạn không cần thiết phải trở thành một chuyên gia trong chủ đề mà mình lựa chọn. Bởi vì cái mà người đọc tìm kiếm lại không phải là lời khuyên từ một người chuyên gia, Mà đôi khi những chia sẻ từ những người có cùng chung một ‘hoàn cảnh” với mình

Thứ mà chuyên gia nói người bình thường cũng chưa chắc đã hiểu và cũng chưa chắc đã áp dụng được vào thực tế. 

Nói đơn giản như kiểu hồi xưa đi học, thầy cô giảng không hiểu gì, nhưng đứa bạn thân giảng cho lại hiểu. Vì cách thầy cô giảng bài sẽ cho tất cả các học sinh từ giỏi đến trung bình, cho nên các bạn học lực trung bình chưa chắc đã tiếp thu được. 

 

kinh nghiệm viết blog

 

4.2. Phối hợp nhiều chủ đề

Các bạn có thể phối hợp nhiều chủ đề với nhau trong cùng một blog. Điều này sẽ giúp đa dạng nội dung cho blog của bạn. 

Nhưng các chủ đề trong blog phải liên quan đến nhau. Và các chủ đề đan xen sẽ chỉ như là một thứ gia vị khiến cho món ăn của bạn trở nên ngon hơn, chứ nó không thể thay thế được món chính (chủ đề chính). 

Ví dụ: Bạn chọn chủ đề chính là Du lịch, thì nên “đá” thêm về review các thiết bị quay phim chụp ảnh cho dân du lịch. Chứ tự dưng lại đi review sữa cho trẻ sơ sinh thì nó lại không hợp lý một chút nào cả. 

 

4.3. Không nên đặt nặng việc kiếm tiền

Mình biết tiền bạc là một cái gì đó rất quan trọng để duy trì một website hay một blog. Tuy nhiên tiền bạc đôi khi lại không phải là tất cả. 

Nếu bạn chỉ chăm chăm kiếm tiền, cho đặt link affiliate vô tội vạ, thì blog của bạn sẽ không khác gì một cửa hàng trong thị trường vốn dĩ đã phải cạnh với chợ truyền thống, trung tâm thương mại và các trang thương mại điện tử, 

Nên nhớ rằng người đọc tìm đến blog của bạn là vì họ thấy được thứ mà mình đang tìm kiếm (là các kinh nghiệm và tri thức), chứ họ sẽ không vào blog của bạn để đi chợ.  

 

không đặt nặng việc kiếm tiền
Đừng biến blog của bạn thành một cái chợ

 

4.4. Tạo dấu ấn riêng

Như mình cũng đã nói ở trên, “hào quang chỉ dành cho người có năng lực”. Trong một thị trường đã có quá nhiều website, blog, nếu nội dung của bạn cứ na ná người khác, và không có dấu ấn riêng thì chắc chắn bạn sẽ chẳng được ai nhớ đến cả. 

Thay vì cóp nhặt các nội dung và bê nguyên xi những nội dung mà người đi trước đã làm, thì bạn nên tạo những nội dung “độc bản” mang dấu ấn của riêng mình. Đừng ngại thể hiện ý kiến và quan điểm cá nhân của bạn trước một vấn đề, vì bạn là duy nhất, là độc bản. 

 



 


5. Tổng kết: Kinh nghiệm chọn chủ đề viết blog 

5.1. Tips viết blog

– Nếu các bạn muốn viết blog chuyên nghiệp và kiếm tiền từ blog, thì nên tham gia một khóa học về viết blog để có định hướng rõ ràng. Việc mò mẫm tự học là tốt, nhưng mà việc này sẽ tốn thời gian và đôi khi là tiền bạc. Và không phải ai cũng sẽ tự mò mẫm tự học được. 

– Tham gia các cộng đồng blogger ở Việt Nam cũng như trên thế giới để chia sẻ và được chia sẻ về hành trình viết blog. Vì như mình đã nói ở trên, đôi khi lời khuyên từ một người có cùng chung “hoàn cảnh” như bạn lại có thể giúp bạn hiểu được vấn đề mình đang gặp phải hơn. 

 

5.2. Tổng kết

Trên đây là những chia sẻ về việc lựa chọn chủ đề viết blog của Chibikiu, hy vọng sau bài viết này các bạn đã có thể lựa chọn và định hướng một khung nội dung phù hợp cho đứa con tinh thần của mình.

Nếu bạn cần thêm thông tin gì, có thể tham khảo các bài viết khác trong series Viết blog dưới đây:

Nếu thấy bài viết trên đây có ích, các bạn có thể giúp mình duy trì blog bằng cách nhấn vào link dưới đây nhé:

error: Content is protected !!