Hình ảnh về một Thượng Hải cổ kính thời kỳ dân quốc đã in đậm trong tâm trí của biết bao nhiêu thế hệ khán giả Việt Nam. Chắc hẳn ai cũng đã từng có một thời “cùng khóc, cùng cười” với các nhân vật trong bộ phim Bến Thượng Hải hay Tân dòng sông ly biệt. Tưởng rằng chỉ có thể thấy những hình ảnh đó trên phim, ít ai biết rằng ở Thượng Hải có một nơi để người ta sống lại những ký ức về một thời, đó là phim trường Thượng Hải. Không chỉ là bối cảnh cho các bộ phim, phim trường Thượng Hải còn là địa điểm du lịch nổi tiếng tại Thương Hải. Bài viết sau đây mình sẽ chia sẻ Kinh nghiệm đi phim trường Thượng Hải.
Table of Contents
1. Giới thiệu phim trường Thượng Hải
Trước khi chia sẻ kinh nghiệm đi phim trường Thượng Hải, mình sẽ giới thiệu một số thông tin cơ bản về địa danh này:
1.1. Đôi nét về phim trường Thượng Hải
Phim trường Thượng Hải ban đầu là bối cảnh cho bộ phim “Phong Nguyệt” của đạo diễn Trần Khải Ca. Sau đó, cả khu vực này được mở rộng và mở cửa đón khách tham quan vào năm 1998.
Từ khi mở cửa đến nay, phim trường này đã trở thành bối cảnh của hơn 100 bộ phim lớn nhỏ hàng năm. Hơn nữa, đây còn là 1 trong số 10 phim trường lớn nhất tại Trung Quốc.
|
1.2. Phim trường Thượng Hải có gì đặc biệt
Khác với các phim trường khác ở Trung Quốc, phim trường Thượng Hải đưa du khách trở về với thời kỳ 1930 (hay thời kỳ dân quốc).
Lúc này, thành phố Thượng Hải đang là một trung tâm thương mại, văn hóa lớn của thế giới, và được gọi ưu ái là “Hòn ngọc Phương Đông”.
Những bối cảnh tại phim trường được xây dựng lại sát theo nguyên mẫu với tỷ lệ 1:1. Khiến cho bất kỳ ai cũng sẽ có cảm giác như được trở về quá khứ, được sống như những nhân vật của “Bến Thượng Hải” hay “Tân dòng sông ly biệt”.
2. Lên kế hoạch đi phim trường Thượng Hải
Việc tìm kiếm thông tin về Phim trường Thượng Hải khá là khó, vì có rất ít thông tin bằng tiếng anh về địa điểm này. Mà phần lớn lại là bằng tiếng Trung nữa.
Dưới đây mình sẽ tổng hợp một số thông tin quan trọng về Phim trường Thượng Hải:
2.1. Đi đến phim trường Thượng Hải như thế nào?
Phim Trường Thượng Hải nằm ở thị trấn Chedun, quận Songjiang cách trung tâm thành phố 45km. Các bạn có thể đi đến phim trường Thượng Hải bằng những cách sau:
a. Metro: Các bạn bắt metro line 1 (line đỏ) từ trung tâm thành phố đi đến bến cuối Xinzhuang, rồi chuyển sang line 5 (line tím đậm) đi tiếp đến bến Minhang Development Zone.
Sau đấy bắt taxi hoặc xe buýt ra Phim trường Thượng Hải. Nếu lười đổi tàu, có thể xuống bến Xinzhuang, rồi bắt taxi (mất thêm 70¥).
b. Xe buýt: Theo như trang web chính thức, phim trường phục vụ 1 tuyến xe buýt miễn phí cho khác xuất phát từ Shanghai Stadium. Tuy nhiên, mình có tham khảo trên TripAdvisor và một số trang review, thì tuyến xe buýt này không có hoạt động.
c. Taxi: Đây là lựa chọn phổ biến nhất nếu bạn đi theo nhóm đông. Đi từ trung tâm thành phố mất hơn 250¥. Nên tải app Didi (ứng dụng Grab của Trung Quốc) để bắt xe cho tiện.
2.2. Vé vào cửa Phim trường Thượng Hải
Vé vào cửa Phim trường Thượng Hải là 80¥ (cho người lớn) và 40¥ (cho trẻ em). Các bạn có thể mua vé tại quầy hoặc mua online trước.
Nhưng không cần mua vé trước đâu bởi phim trường không giới hạn lượt người vào tham quan trong ngày (như Tử Cấm Thành). Và khu này cũng không có quá đông khách du lịch (vì xa trung tâm). Nếu muốn mua online trước, có thể tham khảo link sau.
3. Phim trường Thượng Hải có gì?
Phim trường Thượng Hải được chia làm nhiều khu vực. Tuy nhiên không phải khu vực nào cũng được sử dụng, một số khu vực bị để trống.
Các bạn chỉ nên tham quan các khu vực chính như Đường Nam Kinh, Tân Thiên Địa, Khu biệt thự Châu Âu, Khu cầu sắt đường Zhejiang thôi. Các khu vực khác cũng không có gì đặc sắc.
Mình sẽ review một chút về các khu vực ở phim trường Thượng Hải:
3.1. Đường Nam Kinh
Trong số các khu vực ở phim trường thì đường Nam Kinh lại nhộn nhịp du khách hơn cả. Vì con đường này tái hiện tất cả những gì tinh túy nhất của Thượng Hải thời kỳ dân quốc.
Các công trình ở đây được xây dựng với tỷ lệ 1:1, sát với nguyên mẫu phải kể đến như Bách hóa Sincere, Bách hóa Wing On và khách sạn Seventh Heaven.
Ngoài các công trình “sao y bản chính”, đường Nam Kinh còn phục dựng tuyến tàu điện (tuyến tàu này đã bị gỡ bỏ ở bản chính và chỉ có thể thấy trên phim ảnh).
3.2. Khu Shikumen
Shikumen là một kiểu kiến trúc đặc trưng của Thượng Hải. Nhưng theo thời gian, cùng với quá trình đô thị hóa, kiểu nhà này đã không còn thông dụng nữa.
Phần lớn các ngôi nhà kiểu shikumen trong trung tâm thành phố đã bị dở bỏ. Một số ít còn lại đã được cải tạo thành quán ăn, quán cafe, cửa hàng quầ áo…
Tuy nhiên, bạn có thể trải nghiệm một khu phố shikumen nguyên bản tại phim trường Thượng Hải với những dàn phơi, gánh hàng rong, tiệm thuốc…
3.3. Cầu Sắt đường Zhejiang
Kết nối khu vực đường Nam kinh với khu dân cư lạch Tô Châu, là chiếc cầu sắt đường Zhejiang. Đây là phiên bản thu nhỏ của cầu Ngoại Bạch Độ. Dù không có xe cộ qua lại như bản gốc, nhưng thiết kế thép đặc trưng lại không lẫn đi đâu được.
Bên cạnh cầu là khu dân cư lạch Tô Châu. Khác với khu Shikumen, nhà ở khu vực này chủ yếu bằng gỗ và có phần tiêu điều hơn một chút. Hôm mình đi, một phần của khu này đang được quay phim, nên không thăm thú được nhiều.
3.4. Các khu vực khác
a. Khu biệt thự Châu Âu: Khu vực này tập trung các biệt thự xây theo kiến trúc Châu Âu. Điểm đặc biệt là các biệt thự này đều có hàng dây leo bám lên tường.
b. Công viên: Đây là chỗ nghỉ ngơi đi dạo thôi chứ không có bối cảnh gì trong này nhé.
4. Làm gì ở phim trường Thượng Hải
Đến phim trường Thượng Hải, không chỉ đơn giản là chụp ảnh cái rồi về, các bạn có thể trải nghiệm một số thứ sau:
4.1. Chụp ảnh tại đường Nam Kinh
Đã trở về năm 1930 rồi, thì không có lý do gì mà không chụp vài tấm ảnh kỷ niệm cả. Và khu vực đường Nam Kinh hân hạnh tài trợ cho chương trình “sống ảo” này.
Nếu như khu vực đường Nam Kinh thật luôn “chật cứng” người qua lại mua sắm và rất khó để chụp ảnh. Thì đường Nam Kinh của phim trường Thượng Hải lại có thể thỏa thích tạo dáng mà không vướng ai. Cộng thêm cả kiến trúc cổ nên cứ đứng vào là auto có ảnh đẹp.
4.2. Lên chuyến tàu điện trở về quá khứ
Tuyến tàu điện gốc trên đường Nam Kinh, Thượng Hải đã bị phá bỏ nhường chỗ cho quá trình đô thị hóa. Nhưng hình ảnh về tuyến tàu điện này mãi in đậm trong tâm trí những người yêu điện ảnh. Và chuyến tàu này đã được phục dựng tại phim trường Thượng Hải.
Cứ vào các khung giờ cố định, tuyến tàu điện trên đường Nam Kinh lại băng qua dòng người hối hả đưa khách về lại thời “Tân dòng sông ly biệt”, nói vui chút thôi thực ra là đi quanh phim trường.
Lưu ý trong vé vào cửa phim trường có bao gồm 1 lần đi tàu điện, các bạn có thể xem bảng giờ chạy ở dán ở tàu nhé.
4.3. Tham gia một cảnh phim
Tham quan phim trường sẽ có cảm giác như đang ở trong một bộ phim vậy. Mà nếu may mắn các bạn có thể gặp một số đoàn làm phim nữa.
Hôm mình đi có gặp 2 đoàn quay phim. Đoàn thứ nhất là quay phim chuyên nghiệp, nên họ bảo mật thông tin rất nghiêm ngặt. Nếu đi qua có vô tình giơ máy ảnh hay điện thoại lên (dù không phải chụp ảnh) thì họ cũng sẽ nhắc.
Còn đoàn thứ hai thì lại khác. Đây là đoàn quay của học sinh tiểu học. Nói là quay kiểu học sinh nhưng đạo cụ với dựng cảnh lại rất chuyên nghiệp. Mình có xin phép đoàn cho sử dụng đạo cụ chụp ảnh, thế là có ngay quả ảnh đánh mạt chược như “thần bài” Châu Nhuận Phát.
5. Tổng kết: Kinh nghiệm đi Phim trường Thượng Hải
5.1. Tips tham quan phim trường Thượng Hải
– Nên phối đồ kiểu vintage vì chụp ảnh lên sẽ rất hợp với khung cảnh, chứ mặc kiểu cá tính sẽ “fail toàn tập” luôn.
– Trong phim trường chỉ có 1 nhà hàng và 1 tiệm bách hóa với lèo tèo vài món. Nhưng được cái giá cả không quá đắt. Mình khuyên các bạn nên mang đồ ăn và nước theo, cho tiết kiệm (lúc soát vé cũng chả ai kiểm tra túi đâu).
– Phim trường Thượng Hải không phù hợp với trẻ em vì không có trò chơi gì và ít chỗ ngồi nghỉ chân dọc đường.
5.2. Tips du lịch Thượng Hải
– Mang theo giấy tờ tùy thân bên người (hoặc lưu trong điện thoại) vì bạn có thể bị cảnh sát gọi vào kiểm tra bất cứ lúc nào.
– Cài sẵn các app cần thiết như Baidu Maps, Dianping, Didi… để hỗ trợ cho chuyến đi Trung Quốc của bạn. Tham khảo review chi tiết về các ứng dựng trên tại đây.
– Học trước một số câu Tiếng Trung du lịch thông dụng để giao tiếp với người bản xứ vì rất ít người Trung Quốc biết Tiếng Anh.
– Phim trường Thượng Hải cách khá xa trung tâm thành phố và không có nhiều nhà nghỉ hay khách sạn nào xung quanh. Mà cũng không ai muốn ở khu vực xa xôi hẻo lánh như thế này. Khi du lịch Thượng Hải các bạn nên đăt phòng gần đường Nam Kinh nhé.
5.3. Tổng kết
Phim trường Thượng Hải là địa điểm mình thích nhất ở Thượng Hải. Chỉ mất 60 phút di chuyển mà cảm giác như được quay trở về thời kỳ dân quốc.
Hy vọng sau bài viết trên các bạn đã có thể hình dung ra cách đi cũng như những thứ có thể chơi ở phim trường Thượng Hải. Ngoài ra có thể tham khảo một số bài viết khác về Du lịch Thượng Hải nhé:
Nếu thấy bài viết trên đây có ích, các bạn có thể giúp mình duy trì blog bằng cách nhấn vào link dưới đây nhé:
– TỔNG HỢP WEBSITE CẦN THIẾT KHI ĐI DU LỊCH –
|