Kinh nghiệm tham quan đấu trường La Mã Colosseum

Trải qua biết bao nhiêu biến động trong suốt chiều dài lịch sử, Đế chế La Mã ngày nào giờ chỉ còn lại những tàn tích. Nhưng có một công trình vẫn đứng đó hiên ngang, tồn tại suốt 2000 năm lịch sử, đó là Đấu trường La Mã Colosseum ở Rome. Blog sau đây mình sẽ chia sẻ về Kinh nghiệm tham quan đấu trường La Mã Colosseum

 

kinh nghiệm tham quan đấu trường la ma colosseum
Kinh nghiệm tham quan Đấu trường La Mã colosseum

 


1. Giới thiệu đấu trường La Mã Colosseum

Trước khi chia sẻ kinh nghiệm tham quan Đấu trường La Mã, mình sẽ giới thiệu sơ qua một số thông tin về công trình này:

  • Đấu trường La Mã Colosseum ở đâu?
  • Đấu trường La Mã được xây dựng năm nào?
  • Đấu trường La Mã có hình gì?
  • Ý nghĩa của đấu trường La Mã Colosseum

 

1.1. Đấu trường La Mã ở đâu

Có thế câu hỏi trên sẽ rất là buồn cười vì ai cũng biết đấu trường La Mã Colosseum ở Rome, Ý rồi. Nhưng công trình này chỉ là 1 trong 230 đấu trường La Mã còn sót lại trên thế giới. 

Tuy nhiên chỉ có một số ít công trình được bảo tồn nguyên vẹn và mở cửa đón khách thăm quan. Trong số đó, đấu trường Colosseum ở Rome là một trong những đấu trường lớn nhất và được bảo tồn đến tận ngày nay. 

 

1.2. Đấu trường La Mã được xây dựng năm nào?

Công trình xây khoảng năm 70 – 72 sau công nguyên, dưới thời vua Vespasian và hoàn thành vào năm 80 dưới thời Titus.

Sau nhiều lần bị huỷ hoại do thiên tai và chiến tranh, công trình đã được điều chỉnh ít nhiều và tạo ra một đấu trường Colosseum của ngày hôm nay.  

 

đấu trường la mã được xây dựng năm nào
Sau gần 2000 năm, Đấu trường La Mã Colosseum vẫn đứng hiên ngang

 

1.3. Đấu trường La Mã Colosseum có hình gì

Khác với kiến trúc thông thường của các đấu trường La Mã thời xa xưa, được xây dựng một phần bên cạnh sườn đồi để làm trụ chống, đấu trường Colosseum là công trình kiến trúc đứng tự do, hình ê-lip khổng lồ.

Xung quanh sân khấu là các dãy bậc thang dùng làm chỗ ngồi cho khán giả. Phía dưới khu vực sân khấu là hệ thống lối đi và phòng ốc dành cho các công tác hậu cần. 

 

1.4. Ý nghĩa của đấu trường La Mã

Công dụng chính của đấu trường là làm nơi thi đấu của các võ sĩ. Ngoài ra nơi đây còn được dùng làm biểu diễn công chúng, tập trận giả, săn thú, kịch cổ điển. 

Đã 2000 năm trôi qua, tuy chỉ giữ được được chưa tới 1/3 cấu trúc ban đầu. Nhưng Đấu trường Colosseum vẫn đứng vững và trở thành vững suốt chiều dài hàng ngàn năm lịch sử và trở thành biểu tượng trường tồn của Đế chế La Mã. 

Ngày nay Đấu trường La Mã đã trở thành một điểm du lịch nổi tiếng, thu hút hàng triệu du khách từ khắp nơi trên thế giới. 

 

ý nghĩa đấu trường la mã
Đấu trường là biểu tượng trường tồn của Đế chế La Mã

 



 


2. Bên trong Đấu trường La Mã Colosseum có gì?

2.1. Sàn đấu và Hypogeum

Trung tâm của công trình là khu vực sàn đấu, các bạn sẽ thắc mắc ngay là vì sao sàn đấu lại chỉ có ⅓ là bằng phẳng còn lại ⅔ là các khối đá lởm chởm thế này.

Thực chất phần ⅓ đó là phần sàn đấu đã được phục dựng lại để cho du khách dễ hình dung. Còn chỗ đá lởm chởm ở dưới là hypogeum, một phần của mạng lưới ngầm. 

Phần Hypogeum gồm 2 tầng hầm, bao gồm một mạng lưới đường hầm và chuồng thú dưới sàn đầu. Đây là nơi mà các võ sĩ, nô lệ cũng như các mãnh thú chuẩn bị trước khi bước ra sàn đấu.

Ít ai biết rằng hypogeum không phải là một phần của kiến trúc nguyên bản, mà chỉ được thêm vào từ đời vua Domitian (năm 81 – 96)

 

hypogeum đấu trường
Chỗ đá lởm chởm ở dưới là Hypogeum

 

2.2. Khu vực khán đài 

Bao quanh sàn đấu và hypogeum là khu vực khán đài. Để tham quan khán đài các bạn sẽ đi cầu thang lên trên tầng. Dọc đường đi sẽ có một khu trưng bày các hiện vật khai quật được. 

Từ bên trên khán đài có thể thấy rõ phần sân khấu bên dưới. Trong quá khứ cả khán đài rộng lớn này có thể chứa đến 50,000 khán giả. Các chỗ ngồi trên khán đài được sắp xếp theo nguồn gốc và chức tước của người xem.

Khu dưới dành cho những người giàu có, khu trên cùng dành cho những người nghèo khổ. Trong đó hàng ghế đầu tiên gần sân khấu nhất được làm bằng đá hoa cương dành cho hoàng đế và các vị quan có chức tước.

Tuy nhiên hiện tại khu vực khán đài đã bị hư hỏng khá nhiều và rất khó để hình dung được những gì như mình đã nói ở trên. 

 

đấu trường La mã Colosseum
Toàn cảnh bên trong Colosseo

 


3. Các khu vực xung quanh Đấu trường La Mã

Đấu trường La mã chỉ là một phần nhỏ trong quần thể di tích La Mã cổ đại. Quần thể này bao gồm Đấu trường La Mã, khu công trường La Mã và đồi Palatine.

Mình sẽ giới thiệu qua về các khu vực khác trong quần thể nhé:

 

3.1. Arch of Constantine

Ngay từ bên ngoài Đấu trường La Mã có thể thấy ngay Arch of Constantine. Đây là khải hoàn môn La Mã lớn nhất và được bảo tồn tốt nhất, để vinh danh Hoàng đế Constantine sau chiến thắng của ông trong trận Milvian Bridge năm 312. 

 

Arch of Constantine
Arch of Constantine

 

3.2. Công trường La Mã (Roman Forum)

Khu trung tâm hành chính, tôn giáo và thương mại của La Mã cổ đại. Cách đây hàng nghìn năm, tại đây đã diễn ra những hoạt động sinh hoạt thường nhật của người dân La Mã (như diễu binh, hội họp, giao thương…).

Trải dài khắp khu vực quảng trường là một hệ thống tàn tích đa dạng gồm các bộ phận kiến trúc rời rạc và công cuộc khai quật khảo cổ 

 

3.3. Đồi Palatine (Palatine Hill)

Như các bạn đã biết, thành Rome được xây dựng trên 7 quả đồi liền nhau, và đồi Palatine là một trong số đó. Với vị trí đắc địa ở trung tâm thành phố, ngọn đồi có tầm nhìn bao quát khu quần thể di tích La Mã cổ đại.

Hiện tại, chỉ còn lại một đống đổ nát với nhiều tàn tích quanh khu đồi Palatine. Nên sau khi vượt qua cái nắng “cháy da cháy thịt” ở Rome để leo lên đây, mình khá thất vọng

 

di tích quanh đấu trường la mã
Khu vực Roman Forum nhìn từ trên cao

 


4. Lên kế hoạch tham quan Đấu trường La Mã Colosseum

4.1. Di chuyển đến đấu trường La Mã Colosseum như thế nào

Để đi đến Đấu trường La Mã Colosseum, các bạn có thể sử dụng các phương tiện sau:

  • Metro: Metro Line B, đến trạm Colosseo
  • Xe Buýt: Có thể đi các tuyến 40, 51, 60, 75, 81, 175, 204
  • Taxi: Giá cũng không quá đắt vì Đấu trường nằm trong trung tâm thành phố. Giá taxi đi từ Termini là tầm 10 – 12€. Rome có Uber nhưng là Uber Black (dịch vụ cao cấp và giá khá cao), các bạn không nên sử dụng làm gì.

 

tham quan đấu trường
Một góc sống ảo tại Đấu trường La Mã Colosseum (Photo: @hiennemo)

 

4.2. Giá vé vào cửa Đấu trường La Mã

Giá vé vào cửa Đấu trường La Mã Colosseum bao gồm luôn vé vào cửa khu vực Công trường La Mã và đồi Palatine. Giá vé là 18€. 

Tuy nhiên thì mua thế này không được kinh tế cho lắm, mà vẫn phải xếp hàng khá lâu. Để tiện nhất, các bạn nên mua thẻ Roma Pass.

Thẻ này bao gồm vé Skip-the-line (tức là không phải xếp hàng) vào Đấu trường và cho phép sử dụng miễn phí tất cả các phương tiện công cộng tại Rome nữa. Có thể đặt trước thẻ tại link sau.

* LƯU Ý:

  • Đấu trường Colosseum mở cửa miễn phí vào chủ nhật đầu tiên mỗi tháng. Tuy nhiên của rẻ cũng là của đáng tội. Bạn sẽ phải xếp một hàng dài và chen chúc mới được tham quan. 
  • Một số đối tượng sẽ được miễn phí vé vào cửa. Chi tiết các bạn có thể tham khảo link sau.

 

tham quan đấu trường colosseo
Giá vé vào cửa Đấu trường bao gồm luôn vé vào cửa khu vực Công trường La Mã và đồi Palatine

 



 


5. Kinh nghiệm tham quan Đấu trường La Mã

5.1. Tham quan đấu trường La Ma vào lúc nào

Các bạn nên đi Đấu trường La Mã vào buổi sáng, đi lúc vừa mở nữa thì càng tốt. Vì nếu không đi từ sớm, sẽ phải xếp hàng RẤT LÂU. 

Và đặc biệt nên tránh mùa hè ra. Mùa hè ở Rome có thể lên đến 38 – 40°C và khu vực bên trong quần thể di tích La Mã rất nắng và không hề có một chút bóng râm nào cả. Bạn mình do mệt quá nên đã “bỏ cuộc” sau khi vừa bước vào khu Roman Forum. 

Thời gian thăm quan cả quần thể Di tích La Mã là tầm hơn 3 – 4 tiếng (chưa tính thời gian xếp hàng). Các bạn xác định sẽ dành một buổi để đi cả quần thể này.

Dưới đây là tổng hợp các thông tin chính về Đấu trường:

  • Địa chỉ: Piazza del Colosseo, 1, 00184 Roma 
  • Giờ mở cửa: 8:30 – 17:30 (nên check lại giờ trước khi đi nhé) 
  • Đóng cửa vào ngày 1/1 và 25/12

 

Arch of Septimius Severus
Arch of Septimius Severus

 

5.2. Kinh nghiệm tham quan đấu trường La Mã

Các bạn nên tham quan Đấu trường Colosseum trước rồi mới đi các khu vực khác trong quần thể. Vì Đấu trường phải xếp hàng lâu. Nếu đi các khu vực khác xong mới về xếp hàng chắc bỏ cuộc luôn giữa chừng ấy.

Sau khi qua khu vực soát vé và soi hành lý ở Đấu trường xong, các bạn sẽ đi theo chỉ dẫn để vào khu vực tham quan. Các bạn nên tham quan theo thứ tự Sàn đấu – Hypogeum – Khán đài. Xong xuôi chạy qua khu Roman Forum bên cạnh. 

Nhưng vấn đề là khu vực tham quan rất đông khách du lịch và nếu như không có guide thì sẽ không hiểu đang lạc trôi gì giữa một đống đổ nát” nữa.

Có 2 lựa chọn là tải app Parco Coloseeo để nghe audio guide (mất phí) hoặc thuê tour guide. Nhưng thuê tour guide, mình thấy ok hơn vì sẽ được nghe các câu chuyện bên lề nữa. Các bạn có thể tham khảo dịch vụ tour guide tại link sau.

 

tham quan colosseo

 

5.3. Các lưu ý khác

– Có 2 khu vực mình thấy lên ảnh đẹp ở Đấu trường Colosseo đó là khu vực cửa vòm nhìn ra sàn đấu và khu vực ban công của khán đài trên tầng 2. Nhưng mình thấy khu vực mái vòm quanh sân khấu đẹp hơn vì nó tạo cảm giác giống như các đấu sĩ chuẩn bị bước ra sân đấu vậy.

– Gậy tự sướng và Flycam bị cấm sử dụng khi tham quan đấu trường La Mã nhé. Nếu bị phát hiện các bạn sẽ bị phạt rất nặng đó. 

– Tải ngay app Parco Colosseo trước ngày đi. Đây là một app rất hay ho có đủ thông tin cũng như file audio giới thiệu về Đấu trường.

 

sống ảo đấu trường La Mã
Bức ảnh “sống ảo” tại đấu trường La Mã Colosseo

 


6. Tổng kết: Kinh nghiệm tham quan Đấu trường La Mã Colosseum

6.1. Tips du lịch Rome

– Cẩn thận túi xách và các vật dụng cá nhân khi đi ra ngoài bởi vì Rome là một trong những thành phố có tỷ lệ trộm cắp và móc túi cao nhất Châu Âu (theo TripAdvisor)

– Mình sử dụng sim Three trong các chuyến đi Châu Âu. Đợt đó mình ở UK, nên mua sim ngay tại cửa hàng. Nếu ở Việt Nam, bạn có thể mua sim tại link sau.

– Giao thông công cộng ở Rome khá tệ, chỉ có bus và tàu điện ngầm, mà thường không đúng giờ.

– Đặt phòng quanh khu Termini vì đây là đầu mối giao thông chính của thành phố, đi đâu cũng tiện. Chi tiết giá phòng tham khảo bản đồ tương tác dưới đây.


Booking.com

 

6.2 Tổng kết

Hy vọng sau bài viết trên đây, các bạn đã có thể hình dung và lên kế hoạch tham quan Đấu trường là Mã Colosseum rồi chứ.

Nếu bạn cần thêm thông tin gì, có thể tham khảo các bài viết khác trong series Du lịch Italia dưới đây: 

Nếu thấy bài viết trên đây có ích, các bạn có thể giúp mình duy trì blog bằng cách nhấn vào link dưới đây nhé:

 

– TỔNG HỢP WEBSITE CẦN THIẾT KHI ĐI DU LỊCH –

error: Content is protected !!