Kinh nghiệm xin visa Schengen

Với kiến trúc cổ kính, thiên nhiên tươi đẹp cùng khí hậu dễ chịu Châu Âu luôn là một điểm đến trong mơ với nhiều du khách. Tuy nhiên, để thực hiện được giấc mơ du lịch Châu Âu không hề đơn giản. Bởi vì ngoài tiền bạc và sức khỏe, bạn sẽ cần vượt qua cửa ải đầu tiên đó chính là xin visa. Vậy xin visa Schengen có thực sự khó không?Blog sau đây Chibikiu sẽ chia sẻ tất tần tật Kinh nghiệm xin visa Schengen – Du lịch Châu Âu

 

kinh nghiệm xin visa schengen
Kinh nghiệm xin Visa Schengen

 


1. Tất tần tật về Visa Schengen: Visa Schengen là gì, Visa schengen đi được những nước nào? 

Trước khi chia sẻ kinh nghiệm xin visa Schengen, mình sẽ nói qua một số thông tin về loại visa này:

  • Visa Schengen là gì?
  • Visa Schengen đi được những nước nào? Có visa Schengen được miễn visa những nước nào?
  • Các loại visa schengen

 

1.1. Visa Schengen là gì?

Visa Schengen là visa lưu trú ngắn hạn cho phép một người đến bất kỳ nước thành viên nào của Khu vực Schengen. Mỗi lần lưu trú tối đa 90 ngày, cho mục đích du lịch và công việc. 

Tuy nhiên nếu bạn có nhu cầu học tập và sinh sống tại một quốc gia thuộc khu vực Schengen với thời gian hơn 90 ngày sẽ phải xin visa của quốc gia đó, chứ không phải visa Schengen. 

 

visa schengen là gì
Visa Schengen là gì?

 

1.2. Visa Schengen đi được những nước nào? Có visa Schengen được miễn visa những nước nào? 

Khu vực Schengen bao gồm 27 quốc gia thành viên, bao gồm: Áo, Bỉ, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Cộng hòa Séc, Croatia, Đan Mạch, Estonia, Đức, Hy Lạp, Hungary, Iceland, Ý, Latvia, Liechtenstein, Litva, Luxembourg, Malta, Hà Lan, Na Uy, Phần Lan, Pháp, Slovakia, Slovenia, Tây Ban Nha, Thụy Điển và Thụy Sĩ. Chỉ cần có visa Schengen là bạn có thể tự do đi lại giữa 27 quốc gia này

Visa Schengen là một trong những visa quyền lực nhất trên thế giới. Ngoài những nước thuộc khu vực Schengen, việc sở hữu visa Schengen còn cho phép bạn du lịch đến một số quốc gia và vùng lãnh thổ khác. 

Thông tin chi tiết các bạn có thể tham khảo bảng ở dưới đây: 

QUỐC GIA THỜI HẠN LƯU TRÚ LƯU Ý
Albania 90 ngày
Belarus 30 ngày – Là công dân các nước Ấn Độ, Pakistan, Nam Phi, Việt Nam, Li Băng, Namibia, Jordan, Iran

– Có vé máy bay về nước từ các sân bay của Belarus

Bosnia and Herzegovina 30 ngày
Bulgaria 90 ngày
Croatia 90 ngày
Northern Cyprus 90 ngày
Georgia 90 ngày
Gibraltar 7 ngày Là công dân các nước Trung Quốc, Ấn Độ, Mông Cổ, Morocco, Nga
Kosovo 15 ngày
Montenegro 30 ngày
Bắc Macedonia 15 ngày
Romania 90 ngày
Serbia 90 ngày
Thổ Nhĩ Kỳ 90 ngày Xin evisa. Xem chi tiết hướng dẫn tại đây.

 

1.3. Các loại visa Schengen? 

Visa Schengen có 4 loại chính là A, B, C và D. 

  • Loại A: Thị thực quá cảnh, cho phép công dân các nước không thuộc khối Schengen quá cảnh hoặc chờ chuyến bay chuyển tiếp của họ trong khu vực quốc tế của một sân bay nằm ở một quốc gia thuộc Khối Schengen. Hiện tại, visa loại A này không áp dụng cho công dân Việt Nam. 
  • Loại B: Thị thực liên quan đến các chuyến đi kéo dài dưới 5 ngày đã được thay thế bằng visa loại C với điều kiện “quá cảnh”.
  • Loại C: Thị thực ngắn hạn với thời hạn lưu trú tối đa 90 ngày kể từ khi được cấp visa. Đây là loại visa bạn có thể dùng để đi du lịch, thăm thân hoặc quá cảnh.
  • Loại D: Thị thực dài hạn, có hiệu lực 180 ngày, áp dụng cho mục đích công tác, học tập, nghiên cứu hoặc trường hợp được cấp giấy phép cư trú. 

 



 


2. Những điều cần biết trước khi xin visa Schengen

Trước khi xin visa Schengen bạn cần nắm một số thông tin như sau:

  • Đối tượng nào phải xin visa Schengen
  • Thủ tục xin visa Schengen 
  • Lệ phí xin visa Schengen 

 

2.1. Đối tượng nào phải xin visa Schengen?

Tất cả công dân của các quốc gia chưa đạt được thỏa thuận tự do hóa visa với các quốc gia thành viên Schengen cần phải xin thị thực trước khi du lịch hoặc công tác đến các quốc gia trong khối. Và đương nhiên công dân Việt Nam thuộc nhóm phải xin visa Schengen. 

Trong trường hợp muốn biết mình có thuộc đối tượng phải xin visa Schengen không, bạn có thể vào link sau để kiểm tra. 

 

thủ tục xin visa schengen tự túc
Bạn có thể vào trang web của ĐSQ Pháp để kiểm tra xem mình có thuộc đối tượng “phải” xin visa không

 

2.2. Thủ tục xin visa Schengen 

Bạn sẽ phải nộp đơn xin visa Schengen tại Đại sứ quán/Lãnh sự quán/Trung tâm thị thực của điểm đến chính của bạn trong Khu vực Schengen. “Điểm đến chính” ở đây được hiểu là quốc gia thuộc khu vực Schengen mà bạn dành nhiều thời gian nhất. Về thủ tục và các bước xin visa Schengen mình sẽ nói rõ ở các phần tiếp theo. 

Lưu ý với các quốc gia có số lượng đơn visa lớn, sẽ chỉ  nhận hồ sơ qua các trung tâm tiếp nhận (như Pháp). Các bạn cần kiểm tra thông tin để nộp hồ sơ cho chính xác.

Hai trung tâm tiếp nhận hồ sơ xin visa Schengen tại phổ biến tại Việt Nam là VFS và TLS. Các  có thể xem địa chỉ 2 trung tâm này ở dưới đây:

Địa chỉ TLScontact:

  • Tầng 8, Tòa nhà Pacific Place, 83B Lý Thường Kiệt, P. Cửa Nam, Q. Hoàn Kiếm, Hà Nội
  • L08 – Tầng 12A, tòa nhà Vincom Đồng Khởi, 72 đường Lê Thánh Tôn và 45A đường Lý Tự Trọng, P. Bến Nghé, Q.1, TP. Hồ Chí Minh

Địa chỉ VFS Global:

  • Phòng 207, Tầng 2, tòa nhà Ocean Park, 1 Đào Duy Anh, P. Phương Mai, Q. Đống Đa, TP, thành phố Hà Nội
  • Tầng 3, Tòa nhà Resco, 94-96 Nguyễn Du, P. Bến Nghé, Q.1, TP. Hồ Chí Minh

 

thủ tục xin visa Schengen

 

2.3. Lệ phí xin visa Schengen

Lệ phí xin visa Schengen ngắn hạn là 80€ – người lớn40€ cho trẻ em từ 6 – 12 tuổi (tỷ giá sẽ theo tỷ giá của ngân hàng), miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi. 

Bạn có thể thanh toán bằng tiền mặt hoặc thẻ (không quét mã QR được vì khu vực bên trong phòng tiếp nhận không cho mang điện thoại vào). 

Ngoài lệ phí xin visa, bạn sẽ “phải” bỏ thêm chi phí cho một số dịch phát sinh như phí làm hồ sơ ngoài giờ, dịch vụ khai đơn xin thị thực, dịch vụ chụp ảnh,… Các bạn có thể xem giá các dịch vụ phát sinh visa Schengen tại link sau.

 

lệ phí xin visa Schengen
Bảng lệ phí xin visa Schengen

 


3. Các bước xin visa Schengen

Sau đây mình sẽ hướng dẫn từng bước xin visa Schengen:

 

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ

Có thể nhiều bạn sẽ thắc mắc là chưa đặt lịch sao lại chuẩn bị hồ sơ làm gì. Nhưng mà theo mình thì nên chuẩn bị hồ sơ trước khi đặt lịch hẹn. Vì việc chuẩn bị hồ sơ nó khá tốn thời gian, không phải giấy tờ nào xin là sẽ có luôn. 

List giấy tờ cần chuẩn bị bạn có thể tham khảo trước trên mạng, sau đó chuẩn bị dần. Việc chuẩn bị hồ sơ như thế nào mình sẽ nói ở phần tiếp theo. 

LƯU Ý

Các bạn phân loại giấy tờ theo từng loại (Chứng minh nhân thân, lịch trình, chứng minh công việc, chứng minh tài chính, giấy tờ bổ sung) để cho nhân viên tiếp nhận hồ sơ đỡ vất vả và đỡ mất thời gian khi tiếp nhận hồ sơ. 

 

chuẩn bị hồ sơ
Các bạn nên chuẩn bị hồ sơ trước khi đặt lịch hẹn

 

Bước 2: Tạo hồ sơ trên trang

Các bạn tạo hồ sơ trên trang tạo tài khoản trên trang của TLScontact

 

hồ sơ xin visa Schengen
Tạo hồ sơ trên trang của ĐSQ

 

Bước 3: Đặt lịch hẹn

Một điều mình thấy khá buồn cười là mấy ô thời gian mặc dù đã được book nhưng nó lại để màu đen chứ không phải màu xám mờ (còn ô lịch trống lại để màu xanh), làm mình hiểu nhầm là vẫn còn lịch trống và phải trả giá bằng tiền. Đó chính là tiền làm hồ sơ ngoài giờ. 

Một lưu ý nữa là nên book  các khung giờ sớm, vì khi đến sớm sẽ được làm hồ sơ trước, và đỡ phải chờ đợi những người đến trước làm hồ sơ xong.

Trước khi ngày đi nhân viên sẽ gọi điện để nhắc bạn lịch hẹn và tiện thể giới thiệu các gói dịch vụ “phát sinh”. Mấy dịch vụ này mình nghĩ không cần thiết vì nó sẽ chả ảnh hưởng đến kết quả visa của bạn. 

 

kinh nghiệm xin visa Schengen
Những ô số màu đen dễ gây hiểu lầm, khiến mình phải trả giá bằng tiền

 

Bước 4: Đi nộp hồ sơ

Khi vào bên trong khu vực nộp hồ sơ các bạn sẽ không được mang điện thoại. Các bạn sẽ gửi điện thoại ở ngoài, nhưng nhớ cầm tiền mặt hay thẻ theo để thanh toán lệ phí visa. Đến gần đúng giờ nhân viên mới cho bạn vào bên trong. 

Các bạn sẽ được lấy số (số là mã hồ sơ của bạn) và chờ đến lượt. Nhân viên sẽ kiểm tra hồ sơ của bạn một lượt. Nếu hồ sơ của bạn đầy đủ sẽ ra quầy nộp lệ phí. Sau đó sẽ chờ đến lượt chụp ảnh và lăn tay. 

 

nộp hồ sơ visa
Trước ngày nộp hồ sơ, sẽ có email và điên thoại nhắc bạn

 

Bước 5: Nhận kết quả

Các bạn có 2 lựa chọn: một là đến tận nơi lấy hộ chiếu, hai là dùng dịch vụ chuyển phát nhanh. Một mẹo nhỏ để biết là hồ sơ trượt hay đỗ, là bạn sờ bên ngoài phong bì, nếu thấy phong bì có một tờ giấy A4 gấp vào thì xin chia buồn với bạn. 

Còn nếu không thì chúc mừng bạn đã có visa, trong phong bì sẽ có hộ chiếu của bạn và một tờ giấy màu vàng. 

 



 


4. Hồ sơ xin visa Schengen

Để thuận tiện cho việc theo dõi mình sẽ chia phần hồ sơ này ra làm các phần:

  • Chứng minh nhân thân
  • Chứng minh công việc
  • Chứng minh thu nhập
  • Lịch trình

 

4.1. Chứng minh nhân thân 

CCCD: Nộp bản công chứng CCCD. Nếu đã có CCCD thì không cần nộp sổ hộ khẩu.  

Hộ Chiếu: Hộ chiếu còn hạn 6 tháng và còn trang trống. Lưu ý là hộ chiếu một số nhân viên sẽ yêu cầu bạn phải ký vào trang đầu.

Ảnh: 2 ảnh 3,5 x4,5cm được chụp trong thời gian 3 tháng gần đây nhất. Ảnh nền trắng. Mặt chiếm 80%, lộ trán, lộ tai, lộ lông mày. 

Đơn xin visa Schengen: Đơn xin visa Schengen này bạn tạo trên trang của DSQ, rồi in ra. 

 

hồ sơ xin visa schengen

 

4.2. Lịch trình

Vé máy bay: Thông thường, các bạn chỉ cần giữ chỗ thôi. Nhưng với một số nước như Đức và Ý sẽ yêu cầu phải nộp vé máy bay đã thanh toán (lưu ý là kể cả đã thanh toán vé cũng không đảm bảo được visa).

 

vé máy bay xin visa
Các bạn chỉ cần nộp giữ chỗ vé máy bay chứ không phải thanh toán vé

 

Lịch trình: Dù chỉ là lịch trình nộp xin visa, nhưng nó cũng phải hợp lý. Chứ bạn không thể một cái lịch trình cho có rồi nộp (mà có nộp thì chắc chắn trượt visa)

Ví dụ bạn xin visa Schengen Pháp mà thời gian ở Pháp lại chỉ có đúng 2 ngày thì điều này sẽ khiến không chỉ người xét duyệt và kể cả người bình thường cũng thấy có vấn đề. 

 

Booking khách sạn: Nên đặt các khách sạn trên Booking.com và Agoda có chức năng Hủy miễn phí. Và trên booking phải có tên của bạn. 

 

Bảo hiểm du lịch: Bảo hiểm du lịch phải có mức chi trả lên đến 30,000 euro cho các dịch vụ y tê. Lưu ý một số DSQ như DSQ Ý sẽ yêu cầu phải mua gói bảo hiểm có bao gồm Covid. 

Có rất nhiều đơn vị cung cấp bảo hiểm, nhưng việc mua bảo hiểm sẽ tùy thuộc vào bạn. Mình mua bảo hiểm của AIG để xin visa vào ngày 22/4, nhưng lúc sau mình có ngày đi sang tháng 5. Thì có liên hệ tổng đài hỗ trợ, và bên AIG đổi cho mình không mất phí. Các bạn có thể mua bảo hiểm tại link sau

 

bảo hiểm du lịch

 

4.3. Chứng minh công việc

Hợp đồng lao động: Hợp đồng lao động 

Bảng lương: Bảng lương 3 tháng gần nhất, có dấu công ty. 

Đơn xin nghỉ phép: Đơn xin nghỉ phép phải khớp với số ngày bạn dự định đi du lịch. Một số ngân hàng lớn thì việc xin giấy nghỉ phép khá lằng nhằng và tốn thời gian, các bạn nên cân đối thời gian xin sớm để tránh bị lỡ hẹn. 

Trong trường hợp bạn là người đứng đầu hoặc cổ đông của Công ty thì phải nộp giấy phép đăng ký kinh doanh; đối với học sinh, sinh viên cần có đơn xin nghỉ học (nếu đi trong kỳ học); đối với những người hưu trí: quyết định nghỉ hưu, thẻ hưu trí hoặc sổ lĩnh lương hưu.

 

4.4. Chứng minh tài chính

Sao kê tài khoản: Sao kê tài khoản 3 – 6 tháng gần nhất và phải xin trước 3 – 5 ngày xin visa. Nếu mà xin visa Schengen Ý sẽ yêu cầu phải xin sao kê trước 3 ngày. 

Sổ tiết kiệm: STK tối thiểu 200 triệu. Lưu ý không phải cứ càng chứng minh có nhiều tiền là sẽ càng cao khả năng đạt visa. Số tiền bạn chứng minh phải phù hợp với công việc và thu nhập của bạn. 

Và cái thứ hai cần lưu ý đó là nên sử dụng STK thường chứ không nên dùng STK online. Vì STK online rất dễ bị trượt visa, 

VÍ DỤ: 

Bạn mới ra trường và đi làm được 1 năm thì không có lí do nào mà bạn có STK 500 triệu và lương chuyển khoản 20 triệu. Mình biết là có nhiều bạn rất giỏi mới ra trường lương kiếm 20 triệu là chuyện bình thường. 

Nhưng một ngày nhân viên ĐSQ duyệt hàng trăm hồ sơ, họ không có thời gian đi tìm hiểu xem bạn giỏi thế nào mà mới ra trường kiếm được 20 triệu cả đâu. 

 

4.5. Các giấy tờ bổ sung

Cover letter (hay thư giải trình): Đây là một tài liệu không bắt buộc, nhưng lại đóng một vai trò khá quan trọng khi hồ sơ của bạn chưa đủ chặt chẽ.  

Bình thường mọi người sẽ nêu lý do là mình thích đất nước mà bạn xin visa, và muốn tìm hiểu văn hóa. Nếu bạn có một lý do gì đặc biệt gì thì đừng ngần ngại viết ra. 

Như mình, trong thư mình giới thiệu bản thân là travel blogger, sau đó trình bày rằng chuyến đi Châu Âu sẽ giúp mình sáng tạo nội dung cho blog. Và mình nộp kèm bộ media kits mà mình hay gửi cho đối tác để tăng độ tin cậy.  

LƯU Ý:

– Tất cả các giấy tờ phải là song ngữ. Nếu không có tiếng anh, bạn sẽ phải dịch thuật công chứng. 

– Nên mang theo các giấy tờ gốc để nhân viên visa kiểm tra và đối chiếu (mình có mang đi nhưng mà cũng chả bị hỏi đến).

 

hồ sơ bổ sung visa schengen
Ngoài cover letter, mình còn nộp kèm bộ Media Kits mà mình hay gửi cho đối tác để tăng độ tin cậy

 


5. Kinh nghiệm xin visa Schengen

5.1. Xin visa Schengen nước nào dễ nhất? 

Khu vực Schengen có tất cả 27 quốc gia thành viên và bạn có thể xin visa vào bất cứ nước nào. Nhưng không phải nước nào hồ sơ cũng linh hoạt và cho thời hạn visa hào phóng như nhau cả. 

Vậy xin visa Schengen nước nào dễ nhất. Câu trả lời đó chính là Pháp. Không những hồ sơ dễ thở nhất mà thời hạn visa cũng dài nhất. Để chứng minh cho ý kiến này, mình sẽ đưa ra 2 bằng chứng:

  • Nếu bạn xin visa Pháp sẽ chỉ cần booking vé máy bay, nhưng mà xin ở ĐSQ Ý sẽ phải nộp vé máy bay khứ hồi đã thanh toán. Mà kể cả khi nộp vé máy bay đã thanh toán cũng không đảm bảo 100% bạn sẽ được visa.
  • Bạn mình và mình đều xin visa Schengen lần đầu. Mình xin visa Schengen Pháp thì được 6 tháng, còn bạn mình xin bên Hy Lạp chỉ được đúng số ngày trong lịch trình. 

 

5.2. Tips & Kinh nghiệm xin visa Schengen tự túc

– Xin visa Schengen 2 tháng trước ngày đi, để nếu có vấn đề gì xảy ra còn có cơ hội mà apply lại. Như chị mình xin visa lần đầu bị trượt, thế là bà hối hả apply lại visa và đậu visa để kịp đi với mình. 

– Chuẩn bị hồ sơ TRUNG THỰC, không việc gì phải đi fake hồ sơ cả. Việc không trung thực trong hồ sơ nhiều khi sẽ khiến bạn trượt visa. 

– Luôn luôn cân nhắc đến tính hợp lý của hồ sơ. Ví dụ như bạn đi làm 2 năm, lương 30 triệu, nhưng STK có 1 tỉ. Thì nó không phù hợp một chút nào cả. Vì lương 30 triệu, trừ đi chi phí ăn ở hay sinh hoạt ở các thành phố lớn thì chỉ còn 15 triệu (đấy là chi tiêu tiết kiệm). Mà 15 triệu x 24 tháng = 360 triệu. Vậy con số 1 tỉ kia vì sao lại có , nếu không có tài liệu bổ sung thì chắc chắn sẽ bị trượt. 

 

kinh nghiệm xin visa schegen tự túc
Luôn luôn đề cao sự trung thực và tính hợp lý của hồ sơ

 

5.3. Các câu hỏi thường gặp về Visa Schengen

Q1. Nếu bị trượt visa Schengen thì có apply lại được luôn không? Và khả năng đạt visa không?

Có. Bạn hoàn toàn có thể apply lại được luôn. Chị mình đã từng bị trượt visa lần đầu, xong đó xin lại và được visa luôn. Dĩ nhiên là lần 2 chuẩn bị hồ sơ đầy đủ hơn.

 

Q2. Làm hồ sơ visa Schengen có đảm bảo 100% đạt visa không? 

Không phải cứ xin visa Schengen qua dịch vụ là sẽ “auto đỗ”. Thực chất việc làm visa Schengen qua dịch vụ sẽ chỉ giúp bạn chuẩn bị hồ sơ, còn việc trượt hay đỗ còn tùy thuộc vào hồ sơ của bạn. 

Và bên dịch vụ họ làm 100 hồ sơ mỗi tháng, không phải hồ sơ nào họ cũng sẽ có thời gian chi tiết 100% được. Cái chính là khi làm qua dịch vụ bạn vẫn phải kiểm tra lại các giấy tờ của mình xem có chuẩn chỉnh không. 

Chị mình phó mặc hồ sơ cho bên dịch vụ không check lại, khi trượt rồi mới biết bên dịch vụ nộp cho quả lịch trình sơ sài và không có đủ thông tin. 

 

Q3. Có visa Schengen Pháp nhập cảnh Ý có được không?

Hoàn toàn được. Có visa Schengen bạn nhập cảnh nước nào trong khối Schengen trước cũng được, chỉ cần lưu ý rằng, trong thời hạn hạn phải có dấu nhập hoặc xuất cảnh của quốc gia xin visa. 

 

visa schengen đi được những nước nào
Có Visa Schengen bạn có thể nhập cảnh vào bất kỳ quốc gia nào thuộc khối.

 



 


6. Tổng kết: Kinh nghiệm xin visa Schengen tự túc

6.1. Tips lên kế hoạch du lịch Châu Âu

– Vào group Du Lịch Khám Phá Châu Âu để hỏi kinh nghiệm xin visa vì đây là group du lịch Châu Âu uy tín hàng đầu ở Việt Nam. 

– Lên group Host – Tìm host Châu Âu để thuê nhà và phòng khi du lịch Châu Âu. Vì thường giá thuê của host Việt sẽ rẻ hơn trên các trang OTAs. 

– Khi có visa xong mới nên mua vé máy bay, vé tàu và chuẩn bị lịch trình chi tiết, chứ không nên mua trước khi có visa (vì lỡ chẳng may trượt sẽ coi như mất trắng). 

– Mình sử dụng sim Three trong các chuyến du lịch Châu Âu và thấy chất lượng khá tốt. Bạn có thể mua sim tại link sau.

– Khi nhập cảnh vào Châu Âu, hải quan chỉ check visa rồi đóng dấu, chứ cũng không hỏi booking khách sạn hay thông tin gì thêm.

 

6.2. Tổng kết 

Đây là tất tần tật Kinh nghiệm xin visa Schengen của Chibikiu. Hy vọng sau bài viết này các bạn đã nắm được quy trình và các bước xin visa và có thể tự tin xin visa Schengen. 

Ngoài bài viết trên, các bạn có thể tham khảo các bài viết khác về chủ đề du lịch Châu Âu dưới đây:

Nếu thấy bài viết trên đây có ích, các bạn có thể giúp mình duy trì blog bằng cách nhấn vào link dưới đây nhé:

 

– TỔNG HỢP WEBSITE CẦN THIẾT KHI ĐI DU LỊCH –

error: Content is protected !!